Định Nghĩa Buôn Người
Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Tội Phạm Có Tổ Chức Xuyên Quốc Gia và Hiệp Định Thư Palermo (Điều 3):
1. Buôn người là hành vi tuyển mộ, chuyên chở, chuyển nhượng, chứa chấp và tiếp nhận con người cho mục đích bóc lột…
2. bằng cách hăm doạ hoặc sử dụng bạo lực hay bất cứ hình thức ép buộc nào khác; bằng cách bắt cóc, lường gạt, gian trá; bằng cách lạm dụng quyền lực hoặc lợi dụng sự yếu đuối hay lợi dụng việc đưa hoặc nhận tiền hoặc lợi ích để đạt được sự đồng ý của một người đang có quyền đối với một người khác.
3. Ít nhất, hành vi bóc lột bao gồm sự lợi dụng hành vi mãi dâm của người khác hoặc các hình thức bóc lột tình dục khác, cũng như bao gồm lao động cưỡng bức hoặc dịch vụ cưỡng bức, việc giữ nô lệ hoặc những hành vi tương tự như hành vi giữ nô lệ, hành vi giữ nông nô hay hành vi lấy bộ phận cơ thể.
Như vậy buôn người phải hội đủ 3 yếu tố:
1. Đưa người xuyên quốc gia
2. Bị bóc lột
3. Không thoát được cảnh bóc lột do bị hăm doạ, cưỡng chế, nợ nần…
Một Trường Hợp Tiêu Biểu
Vợ của anh Chung ghi danh lao động ở Đài Loan nhưng bị bán sang Jordan. Tại đó chị phải làm việc 16 tiếng một ngày với đồng lương rất thấp. Vì tham gia đình công phản đối, chị và 175 nữ công nhân Việt đã bị cảnh sát Jordan hành hung. Ở Việt Nam, chồng và hai con nhỏ, 2 và 5 tuổi, gặp nguy cơ mất căn chòi ọp ẹp vì nó đã bị đem thế chấp cho ngân hàng.
Tình Trạng Buôn Người Tại Việt Nam
Tình trạng buôn người ở Việt Nam rất trầm trọng và ngày càng gia tăng, gồm:
· buôn bán phụ nữ và trẻ em trong kỹ nghệ mãi dâm;
· buôn bán người lao động.
Đường dây buôn người ăn thông từ trên xuống dưới, đến các thôn làng xa xôi, và có phối hợp trong và ngoài Việt Nam.
Hàng chục ngàn phụ nữ bị bán sang Trung Quốc, Đại Hàn, Mã Lai, Thái Lan, Đài Loan…
Hàng ngàn trẻ em bị bán cho kỹ nghệ mãi dâm ở Cam Bốt, Mã Lai, Thái lan… và kỹ nghệ bán con nuôi cho người ngoại quốc.
Hiện nay có trên nửa triệu công nhân Việt đang lao động ở ngoại quốc; con số này có thể tăng lên một triệu vào cuối năm 2010.