CAMSA – ngày 05/05/2011.
LTS: Trong quá trình thực hiện các hồ sơ trợ giúp công nhân, CAMSA đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm quý báu là những điều công nhân cần tránh khi làm việc ở nước ngoài. CAMSA đã dành thời gian để biên soạn lại thành tập tài liệu Cẩm nang dành cho công nhân Việt Nam đi XKLĐ. Xin trân trọng gửi tới Quý độc giả.
Mục lục nội dung: Cẩm nang gồm có 3 phần nội dung chia theo các giai đoạn:
I. Trước khi đi XKLĐ;
II. Khi làm việc ở nước ngoài;
III. Sau khi về nước.
1. Bạn cần biết tên, địa chỉ, số điện thoại của công ty đưa bạn đi làm việc ở nước ngoài (công ty XKLD); và người quản lý bạn trực tiếp.
2. Bạn cần biết thông tin tuyển dụng bạn đi làm việc ở nước ngoài. Đó là thông tin về nước bạn đến làm, công ty nơi làm việc, công việc, thời gian và mức lương. Các thông tin này được ghi trong thông báo tuyển dụng, được gửi về từng địa phương hoặc ghi trên thông báo dán công khai ở trụ sở công ty XKLD.
3. Bạn cần tìm hiểu về công việc bạn sẽ làm ở nước ngoài cũng như công ty nơi làm việc. Bạn có thể tìm hiểu qua việc hỏi công ty XKLĐ, hỏi Phòng lao động, thương binh xã hội địa phương, liên lạc với Cục quản lý lao động ngoài nước, hỏi những người đã từng đi làm ở nước hoặc/và công ty bạn dự định đến làm.
4. Bạn cần cẩn trọng với những lời hứa hẹn của những người môi giới. Khi có công ty XKLĐ về địa phương tuyển dụng, bạn yêu cầu họ cung cấp cho bạn những giấy tờ chứng minh công ty đó hợp pháp và có chức năng XKLĐ.
5. Mọi trao đổi giữa bạn và công ty XKLĐ cần được rõ ràng. Bạn không nên giao tiền hoặc tài sản cho người của công ty XKLĐ hay người giúp bạn đi XKLĐ khi chưa ký hợp đồng dịch vụ với công ty XKLĐ, kể cả đó là tiền đặt cọc.
6. Bạn nên yêu cầu công ty XKLĐ gửi cho bạn một bản hợp đồng cung ứng ký giữa công ty XKLĐ và công ty nơi bạn dự định đến làm. Bạn so sánh các nội dung như công việc, thời gian làm, mức lương giữa hợp đồng này với thông báo tuyển dụng. Nếu không giống nhau thì bạn không nên tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo. Bạn nên giữ lại 1 bản hợp đồng cung ứng để làm bằng chứng, nó sẽ giúp ích cho bạn sau này xảy ra tranh chấp.
7. Bạn được tham gia các khoá học nghề, học ngoại ngữ, văn hoá, phong tục tập quán nơi bạn sắp đến làm việc. Công ty XKLĐ có trách nhiệm tổ chức các lớp học này cho bạn. Bạn cần yêu cầu được chỉ dẫn nghiêm túc trong các nội dung học nêu trên. Điều đó rất cần thiết giúp bạn làm việc và sinh sống ở nước bạn đến. Mỗi khoá học như vậy thường kéo dài trong khoảng 03 tháng tuỳ công việc và nơi bạn đến.
8. Bạn cần hỏi cụ thể về mức tiền cũng như nội dung mỗi khoản chi bạn phải nộp cho công ty XKLĐ để được ra nước ngoài làm việc.
9. Các khoản đóng bắt buộc là tiền dịch vụ, tiền môi giới, tiền đóng quỹ hỗ trợ lao động làm việc ở nước ngoài, tiền vé máy bay. Ngoài ra có các khoản tiền như tiền đặt cọc, tiền học nghề.
10. Tiền dịch vụ là tiền phí bạn trả cho công ty XKLĐ vì họ đã làm mọi thủ tục để bạn ra nước ngoài làm việc cũng như tiền trách nhiệm quản lý của họ đối với bạn trong thời gian bạn làm việc ở nước ngoài.
11. Tiền môi giới là tiền phí tổn mà công ty XKLĐ đã bỏ ra từ trước đó để tìm công ty nước ngoài có nhu cầu tuyển bạn.
12. Hiện nay pháp luật Việt Nam có quy định về mức trần tiền dịch vụ và tiền môi giới ở một số nước đưa lao động Việt Nam đến làm việc. Bạn cần tham khảo các quy định này để tránh bị đóng nhiều hơn.
13. Tiền đặt cọc là khoản tiền nhất định bạn đóng cho công ty XKLĐ. Công ty XKLĐ có trách nhiệm gửi ngân hàng số tiền này và trả lại cho bạn cả gốc và phần lãi khi bạn về nước.
14. Tiền đóng cho Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước với mức đóng của người lao động là 100.000 đồng. Bạn nên yêu cầu công ty XKLĐ làm thủ tục đóng cho bạn. Khi đóng vào quỹ này, bạn sẽ được nhận một thẻ đã đóng quỹ và sau này sẽ được nhận hỗ trợ từ quỹ nếu gặp rủi ro trong quá trình làm việc ở nước ngoài. Ví dụ như bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp…
15. Bạn cần yêu cầu công ty ghi cụ thể các khoản bạn phải đóng bằng biên nhận, có dấu, chữ ký của công ty và bạn. Bạn giữ lại một bản.
16. Nếu bạn phải thế chấp nhà đất để vay ngân hàng số tiền này, bạn phải tìm hiểu kỹ lưỡng các nội dung của hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp. Đặc biệt là nội dung phát mại tài sản nếu bạn không có tiền trả cho ngân hàng. Bạn cần suy nghĩ có nên làm việc này hay không.
17. Hiện nay có nhiều công ty XKLĐ đứng ra làm thủ tục vay tiền ngân hàng cho bạn. Bạn cần chủ động gặp gỡ cả bên ngân hàng và bên công ty XKLĐ để hỏi cụ thể các điều khoản vay. Bạn nên yêu cầu ngân hàng chuyển tiền vay cho bạn, sau đó bạn sẽ chi trả cho công ty XKLĐ.
18. Nếu trong thời gian bạn tham gia học nghề, công ty XKLĐ yêu cầu bạn đóng tiền thì bạn cần hỏi cụ thể mục đích đóng tiền đó để làm gì, bạn cũng cần yêu cầu công ty ghi biên nhận số tiền bạn đóng, có dấu, chữ ký của người đại diện công ty và bạn. Bạn giữ lại một bản.
19. Bạn cần hỏi công ty XKLĐ về thời gian chờ xuất cảnh sau khi bạn trúng tuyển đi làm việc ở nước ngoài.
20. Trong thời gian chờ xuất cảnh, bạn có thể rút hồ sơ đi làm việc ở nước ngoài nhưng phải chịu các chi phí mà công ty XKLĐ đã chi trả cho bạn: chi phí hồ sơ, học nghề, ăn ở, làm visa.
21. Nếu quá thời gian chờ xuất cảnh mà công ty XKLĐ vẫn chưa đưa bạn đi thì bạn cũng có quyền rút hồ sơ và công ty XKLĐ phải chịu các chi phí mà bạn đã chi trả cho công ty, kể cả các chi phí kể trên.
22. Bạn cần biết là hợp đồng dịch vụ bạn ký với công ty XKLĐ chậm nhất là 05 ngày trước ngày xuất cảnh. Vì vậy bạn phải có hợp đồng này trên tay ít nhất là 06 ngày trước ngày xuất cảnh.
23. Bạn cần nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định trong hợp đồng này. Bạn nên so sánh nó với thông báo tuyển dụng của công ty, với hợp đồng cung ứng mà bạn xin từ công ty XKLĐ. Nếu nội dung không giống nhau, như là công việc khác, mức lương thấp hơn, thời gian làm việc dài hơn, chỗ ăn ở bạn phải tự túc… thì bạn cần gặp người quản lý trực tiếp của công ty XKLĐ để thỏa thuận lại.
24. Bạn cần yêu cầu công ty XKLĐ ghi cụ thể và chính xác số tiền mà bạn đã chi trả vào trong hợp đồng này, kể cả trường hợp công ty XKLĐ đã đưa cho bạn một biên nhận riêng có ghi về số tiền đó.
25. Bạn có quyền thắc mắc, thay đổi hoặc thỏa thuận lại với công ty XKLĐ về bất kỳ điều khoản nào trong hợp đồng mà bạn cảm thấy nó có thể ảnh hưởng đến quyền lợi hiện tại và sau này cho bạn.
26. Bạn không nên tin tưởng những lời hứa hẹn bằng miệng của công ty XKLĐ rằng thực tế sẽ tốt hơn quy định trong hợp đồng. Bạn nên yêu cầu mọi sự việc phải tuân thủ theo đúng nội dung hợp đồng và phải được thể hiện trong hợp đồng.
27. Bạn nên tham khảo ý kiến của những người có kiến thức pháp luật về các nội dung của hợp đồng.
28. Khi ký hợp đồng, bạn cần để ý đến ngày tháng năm ký kết, các thông tin của các bên hợp đồng, chữ ký và dấu. Những nội dung này cần được ghi rõ ràng trong hợp đồng.
29. Bạn có thể yêu cầu 1 bên thứ 3 làm chứng về hợp đồng và các điều khoản hợp đồng. Đó nên là một người am hiểu pháp luật.
30. Bạn chỉ nên chi trả tiền dịch vụ, tiền môi giới cho công ty XKLĐ sau khi hợp đồng dịch vụ được ký kết.
31. Bạn yêu cầu hợp đồng phải được lập ít nhất thành 02 bản và bạn giữ 01 bản.
32. Bạn cần hỏi công ty XKLĐ về cách thức liên lạc với công ty XKLĐ khi bạn ở nước ngoài, người trực tiếp trợ giúp bạn khi bạn cần, số điện thoại hoặc địa chỉ liên lạc.
33. Bạn cần hỏi công ty XKLĐ về cách thức liên lạc với cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước bạn làm việc, số điện thoại, địa chỉ trụ sở.
34. Bạn cũng cần hỏi về cơ quan phụ trách các quan hệ lao động của nước bạn tới làm việc, số điện thoại, địa chỉ trụ sở.
35. Bạn nên copy các giấy biên nhận, hợp đồng ký với công ty XKLĐ thành ít nhất 02 bản, mang theo 01 bản và nhờ gia đình giữ 01 bản.