CAMSA – ngày 25/5/2011.
LTS: Xuất khẩu lao động hiện nay ở Việt Nam được xem là môi trường hoành hành của nạn buôn người lao động. Theo luật quốc tế, buôn người là hành vi đưa người ra nước ngoài để bóc lột sức lao động bằng thủ đoạn lừa đảo hay cưỡng ép. Với đà gia tăng chỉ tiêu xuất khẩu lao động, con số nạn nhân Việt Nam của nạn buôn người cũng gia tăng nhanh chóng trong những năm qua. Các công ty môi giới xuất khẩu lao động (gọi tắt là công ty XKLĐ) là một mắt xích quan trọng trong hệ thống buôn người lao động Việt Nam.
Công ty XKLĐ ở Việt Nam là cầu nối giữa người lao động Việt Nam và chủ sử dụng lao động ở nước ngoài. Vì hoàn cảnh túng quẫn người lao động phải tìm kế mưu sinh. Vì không nắm vững luật Việt Nam, vì không hiểu ngôn ngữ, văn hoá, luật pháp, xã hội và cơ chế chính trị của nước mà họ muốn đến nên người lao động Việt Nam hoàn toàn trông cậy vào các công ty XKLĐ. Các công ty XKLĐ đã lợi dụng hoàn cảnh yếu thế này và tỏ thái độ vô trách nhiệm khi xảy ra tranh chấp giữa người lao động Việt Nam và chủ sử dụng lao động nước ngoài.
Công nhân Việt bị bắt giam tại Malaysia, công ty XKLĐ bỏ mặc (Ảnh: CAMSA)
Các công ty XKLĐ thường quảng cáo rất hấp dẫn, khác xa với thực tế để thu hút sự chú ý và tạo niềm tin của người lao động. Khi người lao động đã cắn câu thì công ty XKLĐ đẻ ra các chi phí dịch vụ rất cao so với qui định của luật pháp. Nếu người lao động không có đủ tiền, doanh nghiệp sẵn sàng làm giúp thủ tục vay tiền ngân hàng, thể chấp bằng nhà cửa, ruộng vườn – trước cả khi họ được ký hợp đồng dịch vụ. Việc thế chấp tài sản để mượn nợ ngân hàng sẽ khiến cho người lao động không thể rút lui nửa chừng và phải cam tâm chấp nhận mọi nghịch cảnh sau này để có tiền trả nợ. Các khoản tiền nộp cho công ty XKLĐ thường không được ghi biên nhận và nhiều khi sai lệch rất nhiều so với chi phí ghi trong hợp đồng được ký kết giữa người lao động và công ty. Sau này nếu có tranh chấp thì người lao động sẽ không có cơ sở để kiện đòi lại toàn bộ số tiền đã nộp cho công ty XKLĐ. Nhiều công ty XKLĐ chỉ cho người lao động được xem và ký hợp đồng ở phòng chờ trước khi máy bay cất cánh cho nên người lao động đã không còn đủ bình tĩnh và sáng suốt để từ chối các điều khoản bất lợi cho mình.
Người lao động thường không biết rằng khi sang nước ngoài họ sẽ phải ký với chủ sử dụng lao động một bản hợp đồng khác – viết bằng ngoại ngữ mà họ không hiểu rõ – gọi là bản “hợp đồng ngoại”. Khi có tranh chấp với chủ sử dụng lao động nước ngoài, nhiều người lao động mới vỡ lẽ rằng bản “hợp đồng ngoại” có nhiều sai biệt bất lợi cho họ so với bản bản “hợp đồng nội” mà họ đã ký ở Việt Nam.
Pháp luật Việt Nam và bản hợp đồng dịch vụ XKLĐ thường quy định công ty XKLĐ phải có trách nhiệm với người lao động trong thời hạn lao động ở nước ngoài, thí dụ như bảo vệ, giúp đỡ và đại điện cho người lao động trong bất kỳ sự việc xảy ra làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, công ty XKLĐ thường trốn tránh các trách nhiệm này, trong nhiều trường hợp còn đứng về phía chủ sử dụng lao động nước ngoài để chèn ép, đe dọa người lao động. Nhiều người lao động đã không được trả lương mặc dù phải làm công việc vất vả, trong thời gian dài, không có thời gian nghỉ ngơi, bị đe dọa và nhiều khi bị chủ sử dụng lao động mắng chửi, đánh đập, bỏ đói, giam cầm, ngang nhiên trục xuất về nước trước hạn hợp đồng. Rất nhiều công ty XKLĐ đã làm ngơ trước lời cầu cứu và xin giúp đỡ của người lao động. Không thể thoát ra khỏi gọng kìm bóc lột sức lao động – dưới sự cấu kết của công ty XKLĐ và chủ sử dụng lao động nước ngoài – người lao động bị biến thành nạn nhân buôn người.
Mặc dù tình trạng buôn người qua các công ty XKLĐ diễn ra phổ biến ở Việt Nam thời gian qua nhưng các cơ quan chính quyền Việt Nam đã không có biện pháp xử lý hình sự đối với các công ty đó. Một lý do là các công ty XKLĐ được đỡ đầu bởi những ông chủ lớn. Đa số các công ty XKLĐ lớn ở Việt Nam đều có chỗ dựa vững chắc là các bộ và ngành chủ quản như Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương.., cũng như là các công ty quốc doanh lớn như Tổng công ty công nghiệp ô tô Việt Nam, Tổng công ty thủy tinh và gốm xây dựng, Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam…
Để có thể tìm hiểu thêm về nạn buôn người, các thủ đoạn lừa đảo, những công ty XKLĐ có thành tích lừa đảo và vô trách nhiệm, và nhiều vấn đề pháp lý khác người lao động Việt Nam có thể vào xem trang điện tử: www.camsa-coalition.org