Được thành lập vào đầu năm 2008, Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu nhanh chóng trở thành một lực lượng chống buôn người nổi bật trên trường quốc tế vì những can thiệp hữu hiệu ở nhiều quốc gia. Tháng 11 năm 2008 Toà Bạch Ốc và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ mời Liên Minh CAMSA trình bày phương thức hoạt động hữu hiệu này, mà dưới đây là bản tóm tắt.
Mục lục:
- Mục tiêu
- Phương thức
- Kết luận
Mục đích tối hậu của Liên Minh CAMSA là xoá sạch nạn buôn người để bóc lột sức lao động (sau đây sẽ gọi tắt là: buôn lao động). Để đạt mục đích này, Liên Minh CAMSA vận động và tạo điều kiện để chính quyền của quốc gia gốc (Việt Nam) và các quốc gia tiếp nhận (Mã Lai, Đài Loan, Thái Lan, Jordani, v.v.) thực thi đúng vai trò bảo vệ nạn nhân và trừng trị thủ phạm buôn người.
Liên Minh CAMSA đặt trọng tâm vào buôn lao động vì đây là vấn đề đang phát triển mạnh trong thời đại toàn cầu hoá nhưng lại ít được quan tâm hơn buôn người trong lãnh vực mãi dâm (buôn tình dục). Trong khi buôn phụ nữ và trẻ em để khai thác về tình dục thường do tư nhân thực hiện lén lút ở tầm cỡ nhỏ, đường dây buôn lao động thường dựa vào các chính sách phát triển kinh tế của nhà nước nên có hoạt động công khai, được luật pháp quốc gia hỗ trợ, di chuyển hàng trăm ngàn người mỗi năm, và nhiều khi có sự can dự của các giới chức chính quyền. Bởi vậy nhiều chính quyền sẵn sàng chống buôn tình dục nhưng không muốn chống buôn lao động. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhận ra sự bất quân bình này trong bản phúc trình năm 2009: trong năm 2008 chỉ có 10 phần trăm các vụ truy tố trên thế giới là nhắm vào buôn lao động, còn 90% là truy tố về buôn tình dục.
Mục Tiêu
(1) Bổ khuyết luật hiện hành nhằm theo dõi và chống buôn lao động
(2) Thực thi luật nhằm bảo vệ nạn nhân và truy tố thủ phạm buôn lao động
(3) Hợp tác với các tổ chức phi chính phủ (NGO) để chống buôn lao động
Vì buôn người là một tội phạm xuyên quốc gia nên muốn chống buôn người thì nhất thiết phải vận động được sự tham gia hợp tác của chính phủ ở cả quốc gia gốc và quốc gia tiếp nhận.
Phương Thức
Để đạt 3 mục tiêu này, Liên Minh CAMSA áp dụng phương thức toàn diện gồm các bước sau đây:
- Thiết lập hồ sơ buôn lao động qua các vụ giải cứu nạn nhân.
- Dùng hồ sơ để truy ra các nhân tố chính (mắt xích) trong đường dây buôn lao động.
- Phá vỡ từng mắt xích bằng các biện pháp tổng hợp.
1. Thiết Lập Hồ Sơ Buôn Người
Sau khi giải cứu, song song với bảo vệ và giúp đỡ cho nạn nhân, Liên Minh CAMSA thiết lập hồ sơ cặn kẽ để làm căn bản cho những biện pháp can thiệp tổng hợp. Với mỗi hồ sơ, Liên Minh CAMSA phỏng vấn nạn nhân kỹ lưỡng để thu thập dữ kiện và chứng cớ về mọi hoạt động đưa công nhân từ Việt Nam đến quốc gia tiếp nhận. Trong nhiều trưòng hợp, Liên Minh CAMSA vận dụng luật sư địa phương để thiết lập hồ sơ.
2. Truy Tìm Các Mắt Xích
Các mắt xích trong đường dây buôn người thường bao gồm:
- Chủ sử dụng lao động
- Công ty môi giới (tuyển nhân công) ở quốc gia tiếp nhận
- Công ty môi giới (xuât khẩu lao động) ở quốc gia gốc
- Các cơ quan chính quyền hoặc giới chức chính quyền trách nhiệm
- Công ty ngoại quốc đặt hàng
- Chủ sử dụng lao động là mắt xích hiển nhiên nhất: họ là thành phần trực tiếp bóc lột công nhân. Tuy nhiên mỗi công nhân đều phải đi qua nhiều chặng từ quốc gia gốc đến quốc gia tiếp nhận. Mỗi chặng như vậy lại có một nhân tố chủ động trong việc chuyển công nhân. Do đó đối với mỗi trường hợp can thiệp, Liên Minh CAMSA nghiên cứu kỹ lưỡng đường dây chuyển người, nhận diện các mắt xích, và tìm hiểu về sự đối tác hay hợp tác giữa các mắt xích.
3. Phá Vỡ Từng Mắt Xích
Đối với mỗi mắt xích, Liên Minh CAMSA sử dụng biện pháp tổng hợp, gồm nhiều mũi nhọn: kiện dân sự, gây thiệt hại về uy tín kinh tế, và truy tố hình sự.
Để kiện dân sự, Liên Minh CAMSA hợp tác với luật sư và tổ chức pháp lý ở quốc gia sở tại. Tính đến nay ở Mã Lai, Liên Minh CAMSA đã thực hiện 5 vụ kiện dân sự đối với những chủ sử dụng lao động hay công ty môi giới tuyển người đã vi phạm hợp đồng. Đối với Việt Nam, Liên Minh CAMSA hướng dẫn cho nạn nhân làm đơn khiếu kiện gồm chứng cớ và phân tích về hành động vi luật để yêu cầu các cấp chính quyền điều tra và truy tố thủ phạm. Bước kế tiếp sẽ là thực hiện các vụ kiện dân sự tại toà án nhân dân.
Về mặt kinh tế, vì phần lớn các trường hợp buôn lao động dính líu đến các công ty ngoại quốc đặt hàng, Liên Minh CAMSA huy động áp lực từ dư luận quốc tế và giới tiêu thụ. Liên Minh CAMSA đòi hỏi các công ty phải thực hiện các cam kết về trách nhiệm xã hội đúng như lời họ quảng cáo về công ty của họ. Vì lo lắng cho tiếng tăm và uy tín, một số công ty hoặc bồi thường cho công nhân, hoặc áp lực chủ sử dụng lao động phải giải quyết vấn đề, hoặc cả hai. Cũng về mặt kinh tế, Liên Minh CAMSA phổ biến trong công luận quốc tế thông tin về các công ty môi giới. Đối với môi giới ở quốc gia tiếp nhận, Liên Minh CAMSA báo động cho các công ty ngoại quốc để họ tránh sử dụng các môi giới bê tha hoặc hoạt động phi pháp. Đối với môi giới ở Việt Nam, Liên Minh CAMSA báo động cho người dân tránh xa những công ty tắc trách và đồng thời thông báo cho các công ty ngoại quốc tránh tuyển người qua các môi giới ấy. Nhiều công ty ngoại quốc không muốn mang tiếng dính líu đến buôn lao động vì sợ bị ảnh hưởng uy tín đối với giới tiêu thụ.
Liên Minh CAMSA khuyến khích các quốc gia cải thiện luật quốc gia dựa trên các định chuẩn quốc tế về buôn người. Quan trọng hơn nữa, Liên Minh CAMSA vận động các chính phủ tích cực điều tra và truy tố hình sự các thủ phạm cũng như hợp tác trong vấn đề giải cứu, bảo vệ và trợ giúp cho nạn nhân.
Phương thức toàn diện này sẽ tạo những điều kiện sau đây nhằm thúc đẩy các chính phủ thực thi vai trò của họ:
- Chứng minh có tình trạng buôn lao động qua những hồ sơ cụ thể và được nghiên cứu chi tiết với đầy đủ chứng cớ.
- Chứng minh cách thức can thiệp hữu hiệu trong các trường hợp buôn lao động.
- Chứng minh vai trò của các tổ chức ngoài chính phủ như là đồng minh quan trọng trong nỗ lực chống buôn lao động.
Kết Luận
Qua phương thức toàn diện kể trên, Liên Minh CAMSA huy động thế và lực của quốc tế và ở từng quốc gia nhằm đẩy lùi thế và lực của đường dây buôn lao động.
Chủ sử dụng lao động bắt chẹt công nhân thì Liên Minh CAMSA nhắm vào thân chủ của chính chủ sử dụng lao động: các công ty đặt hàng và giới tiêu thụ.
Môi giới lường gạt hoặc tắc trách thì Liên Minh CAMSA hướng dẫn cho người dân đề phòng và giúp nạn nhân đòi công lý qua các biện pháp về pháp lý và kinh tế.
Luật pháp quốc gia khiếm khuyết hay bênh vực cho thủ phạm thì Liên Minh CAMSA huy động luật quốc tế để vận động sự cải tổ.
Chính phủ tắc trách hoặc bao che thì Liên Minh CAMSA vận động áp lực quốc tế với đe doạ chế tài.
Trong 12 tháng tới đây mục tiêu ngắn hạn của Liên Minh CAMSA là:
- Chính phủ Việt Nam ký Nghị Định Thư Liên Hiệp Quốc về chống buôn người (Palermo Protocol) và cải tổ luật để thừa nhận tình trạng buôn lao động; các chính phủ Mã Lai và Đài Loan thực hiện đúng đắn các đạo luật chống buôn ngươi mới được thông qua (Mã Lai năm 2007 và Đài Loan năm 2009).
- Chính phủ Mã Lai, Đài Loan và Việt Nam điều tra và truy tố một số hồ sơ buôn lao động.
- Chính phủ Mã Lai, Đài Loan và Việt Nam hợp tác với các tổ chức phi chính phủ (NGO) địa phương và quốc tế trong việc giải cứu, bảo vệ và giúp đỡ nạn nhân và trừng trị thủ phạm.
***
]Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia) trong tiếng Anh, hiện gồm năm tổ chức thành viên: UBCNVB, Uỷ Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), và Tenaganita (Mã Lai). Sau một năm hoạt động, Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho trên 30 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến ba ngàn công nhân. Liên Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng bào để tiếp tục phát triển hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia.
Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về:
BPSOS/CAMSA
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 – USA