Kể từ tháng Hai năm 2024 đến nay, chính quyền và tổ chức xã hội địa phương Xã Long Hiệp, Huyện Bến Lức, Tỉnh Long An đã có hàng loạt các hành vi mang tính sách nhiễu đối với cô Huỳnh Thị Gấm là người của địa phương.
Cô Huỳnh Thị Gấm là người đã được tổ chức Di Dân Quốc Tế (IOM) xác nhận là một nạn nhân điển hình của tội phạm buôn người xuyên quốc gia đang diễn ra tại Việt Nam. Năm 2019 cô bị Công ty Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Dịch Vụ và Du Lịch Hùng Vương (HAVIMEC, JSC) địa chỉ ở 7B5 Khu đô thị Đại Kim, Phường Đại Kim, Quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội, núp bóng dưới hình thức đưa người đi xuất khẩu lao động để bán cô cho các chủ nô ở Ả Rập Xê Út sử dụng như một dạng nô lệ kiểu mới. Trong suốt hai năm từ tháng 9 năm 2019 đến tháng 10 năm 2021, nhóm tội phạm này đã bán cô qua tay sáu chủ nô. Bọn chủ nô đã từng đánh đập và làm nhục cô nhiều lần. Công ty Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Dịch Vụ và Du Lịch Hùng Vương này không chỉ bán cô cho chủ nô mà còn nhẫn tâm ăn cướp của cô bảy tháng tiền công làm thuê và chúng còn phối hợp với một người đàn ông tên Cù Cao Cường lừa đảo chiếm đoạt của gia đình cô 3562 đô la Mỹ với lời lừa mị “phí đưa về nước”.
Ngay khi gặp nạn, cô Huỳnh Thị Gấm đã trình báo với các cơ quan chức năng Việt Nam để xin sự cứu giúp. Cô đã từng chạy vào Đại Sứ Quán Việt Nam ở Ả Rập Xê Út để xin lánh nạn nhưng rốt cục, cô lại bị chính các cơ quan này cho phép bọn tội phạm bắt cô để trao trả cho bọn chủ nô. Sau khi trở về nước, cô đã gửi 48 lượt đơn thư kêu cứu và tố giác tội phạm tới Chủ Tịch Nước và người giữ quyền Chủ Tịch Nước, Bộ Trưởng Bộ Công An, các cơ quan điều tra thuộc Bộ Công An, Công An Thành Phố Hà Nội và Công An Thành Phố Hồ Chính Minh, Bộ Ngoại Giao, Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội. Không một cơ quan và cá nhân nào giải quyết yêu cầu hợp pháp của cô. Tất cả đều im lặng hoặc là chuyển đơn lòng vòng. Tháng 1 năm 2024, cô quyết định gửi thư kêu cứu tới cơ quan Trung Ương Hội Liên Hiệp Phụ Nữ thì ngay lập tức đơn của cô được chuyển về địa phương. Từ đó, Ban Công An và Hội Phụ Nữ Xã Long Hiệp đã ra sức “mời” cô tới trụ sở xã để làm việc và một mực đòi cô phải trình chứng cứ tự mình xác định là nạn nhân buôn người.
Những hành động nêu trên của chính quyền và tổ chức xã hội Xã Long Hiệp phải được gọi là hành vi sách nhiễu và khủng bố tinh thần nạn nhân buôn người. Theo Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự hiện hành thì họ không có thẩm quyền để điều tra vụ án hình sự mà chỉ có cơ quan điều tra mới có thẩm quyền làm việc này. Trong khi đó theo các quy định tại:
• Điều 4, 5, 6 Luật Phòng, Chống Mua Bán Người 2011;
• Điều 3, 19, 20, 21, 22, 23, 24 Nghị Định 09/2013/NĐ-CP;
• Điều 2, 11, 12, 13, 14, 15, 16 Thông Tư 35/2013/TT-BLĐTBXH;
• Điều 1, 2, 3, 4, 5 Thông Tư Liên Tịch 134/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH.
• Điều 2, 3, 4, 5 Thông Tư 84/2019/TT-BTC,
Thì họ phải có nghĩa vụ giúp đỡ nạn nhân chữa trị và phục hồi sức khoẻ sau sang chấn tâm lý nghiêm trọng; giúp đỡ nạn nhân tái hoà nhập cộng đồng.
Đây là những bằng chứng mới nhất và rõ ràng nhất về việc chính quyền Việt Nam đang bỏ rơi nạn nhân của tội phạm buôn người một cách có chỉ đạo từ trên xuống. Đồng thời nó cũng cho thấy chính quyền Việt Nam đang bảo kê cho loại tội phạm đặc biệt vô nhân đạo đang bị cả thế giới dành nhiều nỗ lực để xóa bỏ.
Theo CAMSA International
– Link bài trên YouTube: https://www.youtube.com/…/Ugkxdr9dHEMqB5WABHVh2MtAEffIF…