Vào ngày 05 tháng 11 năm 2023, Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra thuộc Công An Thành Phố Hà Nội bằng việc phát hành Thông Báo Kết Quả Giải Quyết Nguồn Tin Về Tội Phạm đã chỉ đích danh những cơ quan quyền lực nhà nước Việt Nam sau đây đã bao che, dung túng cho nạn buôn người đó là:
1/ Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước thuộc Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội,
2/ Sở Kế Hoạch Đầu Tư Thành Phố Hồ Chí Minh,
3/ Phòng Quản Lý Xuất Nhập Cảnh thuộc Công An Thành Phố Hà Nội,
4/ Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra thuộc Công An Quận Phú Nhuận, Thành Phố Hồ Chí Minh,
5/ Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra thuộc Công An Huyện Mường Nhé, Tỉnh Điện Biên.
Vẫn theo thông báo này thì Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra thuộc Công An Thành Phố Hà Nội cho biết họ đã uỷ thác điều tra vụ án buôn người xuyên quốc gia theo quy định của pháp luật cho Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra thuộc Công An Quận Phú Nhuận, Thành Phố Hồ Chí Minh và Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra thuộc Công An Huyện Mường Nhé, Tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, hết thời gian luật định, hai cơ quan này vẫn không thông báo kết quả điều tra theo uỷ thác. Bên cạnh đó, Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra thuộc Công An Thành Phố Hà Nội cũng đã có công văn yêu cầu Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước thuộc Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội, Sở Kế Hoạch Đầu Tư Thành Phố Hồ Chí Minh và Phòng Quản Lý Xuất Nhập Cảnh thuộc Công An Thành Phố Hà Nội phải cung cấp cho mình những tài liệu liên quan để phục vụ công tác điều tra nhưng đến nay cả ba cơ quan này vẫn đình trệ không chịu thực hiện nghĩa vụ phải hợp tác với cơ quan điều tra tội phạm theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành.
Chỉ cần nhìn vào danh sách 5 cơ quan vừa bị Công An Thành Phố Hà Nội dũng cảm bêu tên này cũng đủ thấy tính chất và mức độ nghiêm trọng của một hệ thống đường dây chính quyền Việt Nam các cấp, các ngành, các địa phương cùng tham gia và bảo kê cho nạn buôn người xuyên quốc gia. Nó là một hệ thống chứ không hề hoạt động đơn lẻ.
Năm 2021 và 2022, BPSOS đã tiến hành một nỗ lực quan trọng để theo dõi, nắm bắt tình trạng các băng đảng tội phạm xuyên quốc gia cấu kết với các quan chức chính quyền Việt Nam để được hoạt động công khai tại Việt Nam thông qua cái gọi là “xuất khẩu lao động”. Hàng chục ngàn phụ nữ đã bị các tổ chức buôn người thu gom rồi làm giả mạo giấy tờ để xuất cảnh ra nước ngoài làm nô lệ trong đó nhiều người bị cưỡng bức lao động tình dục. Trong số này có rất nhiều em gái vị thành niên mà nạn nhân điển hình nhất là em H’Xuan Siu người dân tộc Ê Đê đã bị những chủ nô ở Ả Rập Xê Út bóc lột tàn tệ dẫn đến cái chết.
Không chỉ theo dõi mà ngay lập tức BPSOS đã dồn mọi nỗ lực và vận động thành công nhiều tổ chức, nhiều chính phủ phương Tây quan tâm tới vấn nạn buôn người xuyên quốc gia cùng chung tay mở một chiến dịch giải cứu nạn nhân. Kết quả, đã có hàng trăm phụ nữ Việt Nam được trở về tổ quốc. Chính quyền Hoa Kỳ đã liệt Việt Nam vào danh sách hạng 3 về tình trạng buôn người vào tháng 7 năm 2022.
Trong thời gian qua, để lấp liếm đi những sai phạm mang tính hệ thống quan chức chính quyền bảo kê cho nạn buôn người, báo chí Việt Nam đã được huy động tối đa để tung ra các thông tin vu khống cho các tổ chức hoạt động chống buôn người trong đó có BPSOS. Nay Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra thuộc Công An Thành Phố Hà Nội đã công khai một danh sách 5 cơ quan quyền lực của chính quyền Việt Nam đã dung túng bao che cho nạn buôn người thì không biết hệ thống báo chí Việt Nam sẽ nói lại như thế nào trước dư luận?
Nhà nước Việt Nam cần nhớ rằng chiến dịch hỗ trợ pháp lý của BPSOS cho các nạn nhân buôn người đi tìm công lý vẫn đang tiếp tục và quốc tế vẫn đang theo dõi sát mọi hành xử của họ trong vấn nạn tội phạm đặc biệt nguy hiểm mang tính toàn cầu này.