3. Chính sách của Nhà nước Việt Nam
Việc ban hành các văn bản để cụ thể hóa, hướng dẫn thi hành Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài 2006 chậm so với yêu cầu; một số quy định của Luật chưa có hướng dẫn hoặc hướng dẫn chưa cụ thể, đầy đủ như: mức trần ký quỹ của người lao động, mẫu và nội dung của hợp đồng cung ứng lao động, hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với từng thị trường lao động; quy định về chính sách hỗ trợ tín dụng cho người nghèo, người dân tộc thiểu số đi lao động ở nước ngoài chưa thống nhất, đồng bộ về mức vay và lãi suất cho vay.
Chưa tích cực trong xây dựng chính sách để tổ chức thực hiện một số quy định của Luật như: hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý, dạy nghề, ngoại ngữ cho người lao động; khuyến khích đưa nhiều lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao; đi làm việc tại các công trình, dự án do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước trúng thầu, nhận thầu, đầu tư ở nước ngoài; chính sách hỗ trợ sau khi người lao động về nước; chính sách đầu tư của nhà nước đối với cơ sở dạy nghề tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài, hình thành một số trường dạy nghề đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động theo quy định dạy nghề gắn với việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bên cạnh đó, quy định chế tài xử lý vi phạm, xử phạt chưa đủ mạnh và khó có thể thực hiện đối với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài; …
Việc quản lý, sử dụng và thực hiện chính sách đối với người lao động sau khi về nước chưa được quan tâm. Mặc dù Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài 2006 đã quy định hỗ trợ việc làm và khuyến khích tạo việc làm đối với lao động sau khi về nước, song Việt Nam chưa có chính sách hỗ trợ đối với nhóm đối tượng này, chưa có chính sách khuyến khích người lao động và gia đình họ đầu tư sản xuất, kinh doanh, sử dụng hiệu quả thu nhập có được từ việc đi lao động ở nước ngoài, cũng như thông tin và hướng dẫn họ đăng ký tìm việc làm phù hợp. Phần lớn người lao động về nước phải tự tìm việc làm, tạo việc làm cho mình. Bên cạnh đó, một số tác động xã hội đối với người lao động khi về nước cũng chưa được quan tâm thỏa đáng.
Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa sâu rộng, còn mang tính hình thức. Đối tượng tuyên truyền, phổ biến chủ yếu là cán bộ, công chức các cơ quan, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội từ cấp tỉnh đến cấp xã có liên quan đến hoạt động này. Đối với người dân, chủ yếu thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, tài liệu in ấn khác, ít được phổ biến trực tiếp. Đối với các doanh nghiệp, việc tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về lĩnh vực này chỉ nhằm mục đích chính là phục vụ cho tuyển dụng lao động, chưa bảo đảm để người lao động hiểu biết đầy đủ pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.
Việc thực hiện quy định doanh nghiệp đăng ký để cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận hợp đồng cung ứng lao động còn hạn chế do thiếu nhân lực, chưa có thông tin đầy đủ ở các thị trường tiếp nhận; việc phối hợp của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với các cơ quan ngoại giao Việt Nam và các cơ quan liên quan ở các nước trong việc thẩm định hợp đồng đăng ký chưa nhiều.
Công tác phối hợp liên ngành giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ cho doanh nghiệp khai thác, mở thị trường mới, quản lý doanh nghiệp và người lao động vẫn còn những hạn chế cần tiếp tục khắc phục, một số doanh nghiệp phản ánh việc hỗ trợ này của các cơ quan quản lý nhà nước chưa liên tục và chưa cập nhật. Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao ít nhận được thông tin của các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc, không có danh sách người lao động để chủ động trong việc thực hiện trợ giúp hay bảo hộ công dân khi cần thiết, chỉ khi xảy ra vụ việc các cơ quan liên quan mới thông báo để tham gia xử lý, giải quyết.
Chưa có sự phân định rõ ràng trong việc bảo hộ công dân nói chung với bảo hộ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Một số quy định còn bất cập trong thực tiễn, gây khó khăn và bất lợi hơn cho người lao động như công dân xuất cảnh theo các trường hợp thông thường nếu xảy ra vụ việc thì các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài có thể sử dụng ngay Quỹ Bảo hộ công dân để mua vé máy bay, các nhu yếu phẩm tối thiểu… hỗ trợ cho công dân, nhưng đối với người lao động lại phải qua nhiều công đoạn và thủ tục để xác minh từ doanh nghiệp đưa đi, cam kết của Cục quản lý lao động ngoài nước, mất không ít thời gian … mới có thể sử dụng Quỹ để tạm ứng, giải quyết cho lao động về nước. Một bộ phận lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài còn bị phân biệt đối xử nhưng việc bảo hộ cũng còn hạn chế.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng cũng chỉ mới nắm được số liệu cơ bản về lao động đi từ các doanh nghiệp dịch vụ và tổ chức sự nghiệp và giải quyết các sự cố xảy ra, chưa cập nhật được số lượng lao động đi – về, vi phạm hợp đồng, vi phạm kỷ luật, pháp luật. Đối với hình thức đi làm việc ở nước ngoài theo trúng thầu, nhận thầu; đầu tư ra nước ngoài, thực tập tay nghề và hợp đồng cá nhân chỉ nắm sơ bộ, chưa đánh giá được đầy đủ hiệu quả. Việc sử dụng và phát huy vai trò của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước chưa nhiều, yếu và kém hiệu quả. Cho đến thời điểm này, Quỹ mới sử dụng được khoảng trên 5 tỷ đồng.
Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa kiên quyết. Số lượng cán bộ thanh tra của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Cục quản lý lao động ngoài nước và các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội quá ít, hiệu quả hoạt động chưa cao. Việc vi phạm của doanh nghiệp về tổ chức bộ máy; hoạt động của chi nhánh, trung tâm, tổ chức tuyển dụng, đào tạo, giáo dục định hướng, thu phí, tổ chức quản lý người lao động, thực hiện chế độ báo cáo… diễn ra ở rất nhiều nhưng chưa kiểm soát được nên quy định về thu hồi giấy phép, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này không được thực hiện. Trên thực tế, chưa có doanh nghiệp nào bị thu hồi giấy phép theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 15 của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; cũng chưa có trường hợp nào bị xử phạt vi phạm hành chính do người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài thực hiện theo quy định tại Điều 16, Nghị định số 144/2007/NĐ-CP.