CAMSA – ngày 01/03/2011.
LTS: Dưới đây là những nhận xét về hoạt động của các chủ thể trong lĩnh vực xuất khẩu lao động Việt Nam – người lao động, công ty XKLĐ, Nhà nước Việt Nam.
1. Người lao động
Tình trạng người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài bị các cá nhân hoặc doanh nghiệp không có chức năng lừa đảo để đi làm việc ở nước ngoài vẫn là vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội, được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện tượng này chủ yếu xảy ra ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung, hầu hết nạn nhân là người lao động nghèo, thiếu thông tin, đi qua môi giới, trung gian.
Phần lớn lao động đi làm việc ở nước ngoài sống ở nông thôn, hoản cảnh kinh tế khó khăn, mức sống trung bình, nghèo nên trình độ học vấn thấp, chưa qua đào tạo nghề, không có ngoại ngữ, ý thức kỷ luật, tác phong lao động công nghiệp và sức khỏe hạn chế. Một bộ phận lao động chưa chú tâm tìm hiểu kỹ pháp luật, thông tin về thị trường lao động, chưa nghiên cứu kỹ các nội dung hợp đồng ký kết trước khi đi, chỉ mong được đi nhanh, rút ngắn thời gian đào tạo, sẵn sàng mất tiền qua trung gian, “cò mồi” để ra nước ngoài; trong quá trình lao động ý thức kỷ luật kém, chưa chấp hành đầy đủ quy định pháp luật, thiếu tôn trọng phong tục, tập quán của nước sở tại… Tình trạng lao động bỏ trốn, phá hợp đồng ra ngoài làm việc, nấu rượu lậu, đánh bạc, đánh nhau, trộm cắp…
2. Hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động:
Các doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm quy định của pháp luật về tổ chức, quản lý quá trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, chi nhánh chưa thực hiện hoặc thực hiện không tốt, không đầy đủ chế độ báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là việc thông báo những vấn đề liên quan đến người lao động với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Công tác đầu tư, đào tạo nghề, giáo dục định hướng của không ít doanh nghiệp thiếu kỹ lưỡng, có tính hình thức, chưa bảo đảm chất lượng, việc bổ túc tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động chưa đảm bảo yêu cầu, chỉ dừng lại ở việc giáo dục định hướng, trang bị bước đầu một số kỹ năng nghề, đáp ứng yêu cầu trước mắt của doanh nghiệp.
Trình độ của đội ngũ cán bộ hạn chế, nhất là các doanh nghiệp hoạt động đa ngành chưa quan tâm đầy đủ đối với tổ chức chuyên hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hợp đồng cung ứng lao động có ý nghĩa quyết định nhưng chủ yếu qua môi giới, doanh nghiệp không có điều kiện tìm hiểu đầy đủ về đơn vị tiếp nhận lao động nên chất lượng hợp đồng cung ứng lao động chưa bảo đảm. Việc đăng ký hợp đồng cung ứng lao động vẫn còn vi phạm dưới nhiều hình thức khác nhau như: không đăng ký hợp đồng; tổ chức thực hiện hợp đồng trước khi đăng ký; đưa lao động đi nhiều hơn số lượng hợp đồng đăng ký; chưa có chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước vẫn thực hiện hợp đồng. Hợp đồng cung ứng lao động còn những nội dung chưa được bảo đảm theo quy định của pháp luật, thiếu rõ ràng về nội dung, nhất là các điều khoản liên quan đến quyền lợi của người lao động..
Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, giành hợp đồng cung ứng lao động giữa các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước dẫn đến giảm quyền lợi, tăng chi phí đóng góp của người lao động vẫn xảy ra mà chưa có biện pháp xử lý hiệu quả; một bộ phận doanh nghiệp được cấp phép hoạt động nhưng không trực tiếp khai thác, tìm kiếm hợp đồng cung ứng lao động, tư vấn, tuyển chọn lao động mà khoán trắng mọi hoạt động từ việc tìm kiếm thị trường, thực hiện hợp đồng cung ứng lao động cho chi nhánh hoặc trung tâm trực thuộc trong khi quản lý không chặt chẽ hoạt động thực sự của chi nhánh, trung tâm; tuyển chọn lao động thông qua môi giới, liên kết tràn lan, triển khai không thống nhất; vẫn còn hiện tượng nhân viên doanh nghiệp đi tuyển chọn lao động nhưng lại “chuyển” lao động tuyển được cho doanh nghiệp khác để nhận hoa hồng và tình trạng doanh nghiệp dồn người lao động vào thế bị động khi ký kết hợp đồng trước khi ra nước ngoài làm việc, có những nội dung giữa thực tế và ký kết không theo hợp đồng và phần thiệt hại chủ yếu thuộc về người lao động.