CAMSA – ngày 18/02/2011.
LTS: Vào ngày 17/02/2011, Cơ quan Uỷ ban thường vụ Quốc hội Việt Nam đã tiến hành thảo luận các quy định trong Dự luật Phòng chống mua bán người lần thứ 9. Các ý kiến xung quanh nội dung Dự luật ban hành lần này rất khác nhau và đại đa số các đại biểu băn khoăn về tính khả thi cũng như vấn đề định tội danh mua bán người.
Bàn về những hành vi bị quy tội mua bán người, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng quy định chưa rõ ràng, chưa có sự phân biệt giữa hành vi mua với hành vi bán, giữa hành vi mua bán người với hành vi chuyển giao, tiếp nhận người có nhận tiền, tài sản với tính chất là một khoản thù lao mà pháp luật cho phép.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các tội danh về mua bán người trong Bộ luật Hình sự (Điều 119 và Điều 120) không có quy định cụ thể về hành vi mua bán người và cho đến nay các cơ quan có thẩm quyền cũng chưa có hướng dẫn về các tội danh này.
Thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy, để cấu thành tội phạm mua bán người thì phải có hành vi giao người nhằm nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất; tiếp nhận người đã trả hoặc hứa hẹn trả tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất.
Tuy nhiên, Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị hành vi buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Nghị định thư Palermo) bổ sung Công ước phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên hợp quốc quy định về hành vi mua bán người có điểm khác so với quy định Bộ Luật Hình sự.
Theo Nghị định thư Palermo, các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao và nhận người bằng các thủ đoạn như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt, lợi dụng tình trạng quẫn bách hoặc sự lệ thuộc của nạn nhân, lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác cũng được coi là hành vi mua bán người.
Xây dựng trên quan niệm mới, dự luật Phòng, chống mua bán người cần phải điều chỉnh toàn diện hành vi mua bán và liên quan đến mua bán người để phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế.
Về cơ sở bảo trợ xã hội và cơ sở hỗ trợ nạn nhân (Điều 41), đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định cá nhân, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp sử dụng nguồn vốn tự có đứng ra thành lập Cơ sở hỗ trợ nạn nhân là phù hợp, đáp ứng chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc tổ chức chính trị-xã hội sử dụng ngân sách Nhà nước để thành lập Cơ sở hỗ trợ nạn nhân và thực hiện việc tiếp nhận quản lý, chăm sóc nạn nhân bị mua bán trở về là một vấn đề cần được cân nhắc kỹ. Bởi vì, cùng một việc tiếp nhận quản lý, chăm sóc nạn nhân bị mua bán trở về nhưng Nhà nước phải đầu tư dàn trải ở rất nhiều nơi, gây tốn kém không cần thiết.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định theo hướng tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp hoặc cá nhân trong nước có thể thành lập Cơ sở hỗ trợ nạn nhân; cơ quan, tổ chức chính trị-xã hội cũng có thể thành lập Cơ sở hỗ trợ nạn nhân và thực hiện việc tiếp nhận, quản lý nạn nhân bị mua bán trở về nhưng không được sử dụng ngân sách Nhà nước để thành lập và hoạt động của các cơ sở này.
Về vấn đề hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, tranh luận “nhắm” vào mức độ, hình thức hỗ trợ. Theo đó, Uỷ ban thường vụ nhận định đa số nạn nhân bị mua bán có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên rất cần sự hỗ trợ ban đầu (một lần) để họ có điều kiện sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, không phải bất cứ nạn nhân nào cũng được hỗ trợ mà phải đáp ứng những điều kiện nhất định như là người thuộc hộ nghèo và phải có đầy đủ giấy tờ xác nhận là nạn nhân bị mua bán.
Chủ nhiệm UB Tài chính – ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh không được sử dụng ngân sách để thành lập, “nuôi” các cơ sở hỗ trợ, tiếp nhận, quản lý nạn nhân bị mua bán trở về. Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội đồng tình: “Nếu nạn nhân là trẻ em sẽ được chuyển tới các cơ sở bảo trợ xã hội của nhà nước có đủ ở 63 tỉnh thành, là người thành niên chỉ nên hỗ trợ đưa về địa phương ổn định cuộc sống, không lý gì lo bảo trợ”.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng cho rằng cần rà lại chính sách liên quan đến nguồn lực tài chính để tránh tình trạng quy định luật dù nhân văn nhưng không thể thực hiện được.
(Tổng hợp tin từ các nguồn: www.dantri.com.vn; www.na.gov.vn);