Thông tin từ Báo phapluattp.vn – ngày 21/01/2011.
Chiều 21-1, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý kiến cho dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người.
Theo quy định của dự thảo luật, các hành vi mua bán người và hành vi có liên quan đến mua bán người bao gồm việc chuyển giao, tiếp nhận người có nhận tiền, tài sản, lợi ích khác. Tuy nhiên, ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP, cho rằng quy định như vậy thì các trường hợp công ty săn đầu người và trung tâm môi giới việc làm cũng dễ bị hiểu là có hành vi chuyển giao, tiếp nhận người có nhận tiền. Dự thảo cũng có quy định về trường hợp chuyển giao, tiếp nhận người có nhận và trả tiền, tài sản khác với tính chất là một khoản thù lao theo quy định của pháp luật thì không phải là hành vi mua bán người nhưng dự thảo chỉ quy định chung chung nên rất khó hiểu là trả, nhận bao nhiêu tiền là đúng pháp luật.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Dũng (Phòng Pháp chế, Công an TP) cho biết sẽ ổn hơn nếu quy định: Việc chuyển giao, tiếp nhận người có nhận, trả tiền, tài sản khác với tính chất là một khoản thù lao theo quy định của pháp luật và không phải vì mục đích vô nhân đạo thì không phải là hành vi mua bán người. Riêng ông Lê Việt Sơn (Trường ĐH Luật TP.HCM) thì cho rằng thêm quy định “vì mục đích trái pháp luật hoặc vô nhân đạo” vào hành vi chuyển giao, tiếp nhận người có nhận tiền, tài sản, lợi ích khác thì sẽ rõ ràng hơn.
Nhiều người cho rằng dự thảo luật cần xem xét lại quy định về hành vi mua bán người và hành vi có liên quan đến mua bán người vì nếu quy định có khoảng mở như vậy sẽ khó thực hiện trong đời sống. Đồng thời, dự thảo luật chỉ nói đến việc phòng, chống mua bán người, còn hướng xử lý các hành vi vi phạm thế nào thì chưa rõ.
Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật trên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trên thực tế bên cạnh việc chuyển giao, tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể thì “mục đích vô nhân đạo khác” còn có thể là cưỡng bức người khác đi ăn xin, làm vật thí nghiệm… Tuy nhiên, dự thảo luật không thể liệt kê hết các mục đích có thể xảy ra trên thực tế, vì vậy nên giao Chính phủ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để có hướng dẫn phù hợp.