Thông tin từ Báo Đời sống pháp luật
Ban soạn thảo và tổ biên tập Dự thảo Luật Phòng chống buôn bán người (do Bộ Tư pháp chủ trì) đã chính thức ra mắt vào ngày 5.3.2009. Theo đó, khi xây dựng Dự án luật này sẽ có sự phân định với các Bộ luật khác như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Tố tụng dân sự…
Chế tài xử phạt nặng
Nhìn chung, các thành viên của Ban soạn thảo Dự thảo Luật Phòng chống buôn bán người đều nhất trí quan điểm: khi xây dựng cần đảm bảo sự phân định của Luật Phòng chống buôn bán người với các văn bản pháp luật khác như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự, Tố tụng dân sự cũng như giải quyết tốt mối quan hệ này. Một vị có trách nhiệm của Bộ cho rằng, cần đặc biệt quan tâm đến nạn nhân là phụ nữ, trẻ em và có chế tài bảo vệ mạnh hơn vì họ là nhóm dễ bị tổn thương. Muốn phòng chống buôn bán người có hiệu quả, chúng ta cần thực hiện liên hoàn 3 nội dung: phòng, chống và giải quyết hậu quả bằng các biện pháp hình sự, dân sự, hành chính…Trong đó, giải quyết hậu quả quan trọng nhất là lập lại trật tự ban đầu đối với cả nạn nhân và người phạm tội…
Đề cập đến các nhóm chế tài có thể được đưa vào Dự thảo Luật Phòng chống buôn bán người, bà Nguyễn Thị Hồng – Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu ý kiến: chúng ta cần đưa nhóm chế tài dân sự, những chế tài chính để giải quyết tận gốc vấn đề của vấn nạn buôn bán người. Bởi có nhiều trường hợp, bản thân người phạm tội buôn bán người còn nghèo hơn nạn nhân, nên hầu như không có khả năng bồi thường. Không chỉ quan tâm đến việc trừng phạt, pháp luật nhiều nước đang tập trung vào việc giải quyết mối quan hệ giữa nạn nhân và người phạm tội trong các vụ án buôn bán người. “Chúng ta phải quan tâm đến vấn đề trợ giúp pháp lý và hòa giải khi giải quyết những vụ án buôn bán người. Bên cạnh đó, Dự thảo nên tập trung vào nạn nhân, nhất là việc tái hòa nhập cộng đồng của họ với vai trò giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể xã hội (Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên) ” bà Hồng kiến nghị.
Tương thích cao với các Luật khác
Theo ý kiến của ông Trần Vi Dân – Vụ Pháp chế – Bộ Công an, tội phạm buôn bán người ngày càng phát triển, phổ biến nhưng cơ quan chức năng lại chưa kiểm soát được. Vì thế, đấu tranh, phòng chống, trừng phạt hành vi buôn bán người là rất cần thiết. Tuy nhiên, trước hết chúng ta phải định nghĩa được khái niệm buôn bán người, nhất là phải đảm bảo tính tương thích với các qui định của pháp luật quốc tế.
Để giải đáp thắc mắc này, ông Nguyễn Công Hồng – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính – Bộ Tư pháp cho biết, dự kiến phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Phòng chống buôn bán người sẽ giải thích khái niệm buôn bán người và các khái niệm khác có liên quan. Ngoài ra, luật còn quy định nguyên tắc đấu tranh phòng chống buôn bán người, các biện pháp tăng cường hiệu quả điều tra, truy tố, xét xử tội phạm buôn bán người, bảo vệ nạn nhân, nhân chứng của tội phạm buôn bán người trong quá trình tố tụng, hồi hương, phục hồi tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân của tội phạm buôn bán người, hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống buôn bán người… Luật Phòng chống buôn bán người sẽ được áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tiến hành cũng như tham gia hoạt động phòng chống buôn bán người, nạn nhân, nhân chứng của tội phạm buôn bán người.
Với tư cách là Trưởng ban Luật pháp chính sách – Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bà Dương Thị Xuân nhận định: nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến nhiều phụ nữ trở thành nạn nhân của buôn bán người là do kinh tế khó khăn, không có việc làm và học vấn thấp. Những năm qua, công tác tuyên truyền đã được tiến hành để thay đổi nhận thức cho người dân và cộng đồng để toàn xã hội phòng chống buôn bán người. “Khi nào bản thân mỗi phụ nữ tự phòng chống buôn bán người cho bản thân và gia đình, thì công tác phòng chống mới đạt hiệu quả mong muốn”. Bà Dương Thị Xuân nhấn mạnh. Dự kiến Dự thảo Luật Phòng chống buôn bán người dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào năm 2010.