Thông tin từ website phaluatvietnam.vn – ngày 07/07/2010
Dự thảo Luật Phòng chống mua, bán người (PC MBN) đang được Bộ Tư pháp – cơ quan chủ trì xây dựng, khẩn trương hoàn thiện. Một trong những vấn đề còn gây tranh cãi khi xây dựng dự thảo Luật là có cần thiết lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị MBN trở về hay tăng cường chức năng cho các cơ sở Bảo trợ xã hội (BTXH) để thực hiện việc tiếp nhận và hỗ trợ những nạn nhân này?
Lo ngại bỏ “lọt” nạn nhân
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm, cơ quan chức năng xử lý 350-400 vụ MBN với gần 1.000 nạn nhân. Nhưng có tới 60% nạn nhân bị mua bán tự giải thoát, tự trở về mà không làm thủ tục khai báo, đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền. Do đó, dù vẫn được thừa nhận là nạn nhân bị mua bán nhưng họ lại rất khó có điều kiện tiếp cận các hoạt động hỗ trợ.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TƯ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) lo ngại, nếu qui định như dự thảo 7 Luật PC MBN là chỉ cung cấp các hoạt động hỗ trợ cho những nạn nhân (đã được tiếp nhận) hoặc người cần được xác minh là nạn nhân bị mua bán thì sẽ bỏ “lọt” một số lượng lớn những nạn nhân thực sự.
Nhiều nạn nhân trở về nhưng không khai báo – ảnh minh họa
Cũng quan điểm này, ông Lê Văn Chương – Phó Chánh Văn phòng BCĐ 130/CP – cho rằng, không nên “bó hẹp” chỉ hỗ trợ cho nạn nhân trong các vụ án (đã được đưa vào quá trình tố tụng). Nhiều vụ án MBN dù chưa khởi tố nhưng chắc chắn vẫn có nạn nhân và họ cũng cần hỗ trợ để tái hòa nhập cộng đồng.
Cần các cơ sở hỗ trợ độc lập
Để hỗ trợ cho các nạn nhân bị mua bán trở về thì cần có cơ sở hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia thấy rằng Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg (ngày 29/1/2007) của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tiếp nhận, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài đã cho phép thành lập các cơ sở hỗ trợ nạn nhân từ nước ngoài trở về.
Do vậy, đối với nạn nhân và người cần được xác minh là nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về hay bị mua bán trong nước thì sau khi làm thủ tục ở UBND cấp xã mà có lý do chính đáng chưa thể về nơi cư trú thì nên đưa họ vào các cơ sở này, chứ không nên đưa vào Trung tâm BTXH vì những người này không thuộc đối tượng của Trung tâm BTXH.
Hơn nữa, không ít ý kiến cũng cho rằng, việc thành lập các cơ sở hỗ trợ với chức năng cụ thể sẽ tránh được sự “đùn đẩy” trách nhiệm, cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan tiếp nhận nạn nhân khi chuyển giao nạn nhân và kiểm soát được vấn đề tài chính trong hoạt động này.
“Tận dụng” các Trung tâm BTXH
Như một số thành viên ban soạn thảo Luật PC MBN, bà Nguyễn Kim Oanh (Vụ Pháp chế – Bộ LĐTB&XH) lại “có ý” “tận dụng” các Trung tâm BTXH cho chức năng hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Bởi một nguyên nhân là dù tội phạm MBN diễn ra trên toàn quốc, nhưng lại không thường xuyên, liên tục. Nếu xây dựng các cơ sở hỗ trợ nạn nhân độc lập ở các tỉnh, TP sẽ gây tốn kém, lãng phí, không tập trung.
Còn nếu tập trung cho các Trung tâm BTXH sẽ có hiệu quả hơn vì MBN cũng là một vấn đề xã hội. Thực tế, trên toàn quốc hiện mới có 2 cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ở An Giang và Lào Cao, song cũng lại kết hợp vào Trung tâm BTXH của tỉnh và hoạt động có hiệu quả. Từ năm 2007 đến nay, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị mua bán của Lào Cai tiếp nhận 70 trường hợp và mỗi nạn nhân chỉ lưu trú không quá 60 ngày tại đây.
Dự thảo Luật cũng dự kiến sẽ cho phép các tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân hoạt động vì mục đích nhân đạo, phi lợi nhuận nhằm huy động nguồn lực của toàn xã hội vào quá trình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Tuy vậy, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh “không đánh giá cao” phương án này vì theo bà, “người dân không có đủ quyền năng và trách nhiệm như Nhà nước trong hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”. Như thế sẽ hoạt động rất hạn chế và không thể “kỳ vọng” đây là thiết chế để “gánh” cho Nhà nước (cụ thể là các cơ sở hỗ trợ nạn nhân hay trung tâm BTXH) việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Mặc dù dự thảo Luật đã được Bộ Tư pháp thẩm định hôm 5/7 nhưng còn nhiều vấn đề vẫn cần được tiếp tục hoàn thiện, trong đó có vấn đề về cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Bởi nếu các qui định không được “chuốt” cho phù hợp thực tiễn thì sẽ rất khó phát huy hiệu quả sau này./.
Huy Anh
*. GS.Lê Minh Tâm (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam): “Luật chưa “giải mã” được bản chất của vấn đề MBN thì khó có thể đưa ra được các biện pháp phòng chống. Phải lưu ý đến cả những trường hợp mua người không để bán lại, mà để “tiêu dùng”, nuôi dưỡng”.
*. Ông Lê Văn Chương – Phó Chánh Văn phòng BCĐ 130/CP: “Đây là tội phạm ẩn, mà phần lớn nạn nhân là ở các địa phương nghèo. Chỉ 30% địa phương có kinh phí thường xuyên để PC MBN nên rất hạn chế trong đấu tranh chống lại tội phạm này”.