Thông tin từ Sở Tư pháp Hà Nội – ngày 4/6/2010.
Loại tội phạm có độ ẩn cao
Bên lề hội thảo khu vực về “Kinh nghiệm lập pháp và thực thi pháp luật về phòng, chống buôn bán người” do Bộ Tư pháp tổ chức hai ngày, từ ngày 3 đến 4-6-2010, PV PL&XH có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Chương, Phó Chánh văn phòng Văn phòng thường trực phòng chống tội phạm và ma tuý (Bộ Công an) về thực tiễn nạn buôn bán người hiện nay.
– Nạn buôn bán người được đánh giá là đang diễn ra ngày càng phức tạp và có xu hướng gia tăng?
+ Tội phạm buôn bán người đối với cả thế giới, khu vực và Việt Nam đang có diễn biến phức tạp, có tổ chức và xuyên quốc gia. Một vấn đề nữa ta chưa đề cập và chưa đi sâu là buôn bán trong nội địa. Luật Phòng chống mua bán người ra đời cũng chính thức đề xuất đưa vấn đề này vào quản lý, xử lý đối với tội phạm buôn bán trong nội địa.
Hiện nay không chỉ có phụ nữ, trẻ em bị buôn bán, mà cả đàn ông cũng bị lừa bán làm lao động cho các lò gạch, khai thác quặng hoặc lấy nội tạng, rồi buôn bán cả trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai… Như tại Mèo Vạc và Yên Ninh (Hà Giang) trong 2 năm qua đã xảy ra trên 60 vụ bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em và nếu người nhà chống cự thì bọn tội phạm sẵn sàng tiêu diệt. Qua điều tra, đối tượng là người Việt cấu kết với người Trung Quốc, hình thành những toán đột nhập vào nhà dân để chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em. Đây là hiện tượng mới nhưng rất bức xúc.
– Chúng ta có làm việc với các cơ quan chức năng Trung Quốc về vấn đề này?
+ Tới đây, ngày 22 và 23-6-2010, Việt Nam và Trung Quốc sẽ đàm phán về Hiệp định song phương phòng chống buôn bán người và bảo vệ nạn nhân. Năm 2009, chúng tôi đã hai lần sang Trung Quốc để kiểm điểm lại sự phối hợp trong phòng chống buôn bán người và những thách thức, khó khăn.
Qua điều tra, phần lớn phụ nữ bị bán ở dọc biên giới Trung Quốc tại các trung tâm mát-xa, nhà nghỉ, ổ mại dâm. Ngoài ra, nam thanh niên Trung Quốc trong nội địa không có khả năng lấy được vợ Trung Quốc do mất cân bằng giới, không đủ điều kiện kinh tế cũng thích “mua” phụ nữ Việt Nam làm vợ bởi tính cần cù, chịu khó, thương chồng con. Những đức tính này của phụ nữ Việt Nam được nhiều nước thích.
– Thủ đoạn thông thường của bọn tội phạm là gì, thưa ông?
+ Nạn nhân bị buôn bán chủ yếu là ở vùng sâu, vùng xa và đồng bằng sông Cửu Long bị lừa do nhận thức kém và kinh tế gặp khó khăn. Một số nữa là do thua thiệt trong làm ăn muốn làm gì đó để “gỡ gạc” nên buôn bán đường dài, sang biên giới Trung Quốc. Khi đến biên giới, bị các đối tượng thông thuộc địa bàn lừa.
Hiện nay nổi lên việc lừa qua mạng internet, không chỉ phụ nữ ở nông thôn mà học sinh, sinh viên ở các TP, thị xã cũng bị lừa, con số này tăng từ 0,73% (1998-2004) lên 7,5% trong tổng số nạn nhân, chủ yếu bị dụ dỗ như sang Trung Quốc du lịch, đi mua đồ chuẩn bị cưới… Qua khảo sát năm 2009 tại 19 tỉnh phía Bắc, trong số 661 nạn nhân bị buôn bán trở về thì 90% mới có trình độ lớp 1 hoặc không học và làm nông nghiệp, nghề tự do hoặc không nghề nghiệp.
Ngoài việc lừa bằng kết hôn với người nước ngoài, trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, cho nhận con nuôi nước ngoài cũng có nhiều nguy cơ, nổi lên những vụ “đình đám” ở Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Lâm Đồng…
– Số phụ nữ kết hôn với người nước ngoài ngày càng tăng và đây cũng là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ về nạn buôn bán người?
+ Cả nước hiện có khoảng 265.000 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài (chủ yếu là Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, châu Phi và một số nước khác). Trong đó, đông nhất là Hàn Quốc với khoảng 40.000 người. Tội phạm lợi dụng kết hôn với người nước ngoài để lừa đảo và núp dưới dạng du lịch, ký kết,… vào Việt Nam nên ta khó quản lý được.
Bao nhiêu trong số phụ nữ lấy chồng “ngoại” đang sinh sống an toàn thì chưa đánh giá được, nhưng họ có nhiều khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ, pháp luật, tập quán, giới và không có tình yêu chân chính. Vừa qua Nghị định 69/NĐ-CP đã đưa ra bốn nội dung quan trọng để giảm thiểu phụ nữ kết hôn với người nước ngoài bất hợp pháp, mù quáng như phải biết ngôn ngữ (bằng A), ngoài đơn, lý lịch phải có sự phỏng vấn của cơ quan tư pháp và phải cam kết đó là hôn nhân tự nguyện, đăng ký tại UBND cấp xã (không được vắng mặt)…
– Theo ông, dự thảo Luật phòng chống mua bán người đang xây dựng có đủ sức nặng khắc phục tình trạng buôn bán người? Có cần một lực lượng chuyên trách để phòng chống loại tội phạm này?
+ Nếu nói đến “sức nặng” thì cần tổng thể các mối quan hệ: Sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, hệ thống văn bản hoàn chỉnh (trong nước và quốc tế), có cơ chế phối hợp đồng bộ, xuyên suốt, có lực lượng chuyên trách… Khi tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình 130/CP, Chính phủ chỉ đạo phải nâng thành chương trình mục tiêu quốc gia, là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung chỉ đạo, và địa phương nào để xảy ra hiện tượng nhiều phụ nữ và trẻ em bị buôn bán thì chủ tịch UBND tỉnh và giám đốc CA tỉnh phải chịu trách nhiệm.
Từ năm 2004 -2009 xảy ra hàng nghìn vụ mua bán phụ nữ, trẻ em, trên 60% nạn nhân bị bán sang Trung Quốc, 11% bị bán sang Campuchia, số còn lại bị đưa sang Lào và một số nước khác. Tuy nhiên, thực tế con số này lớn hơn vì đây là loại tội phạm có độ ẩn cao.
Giao nhiệm vụ mà không giao con người thì không làm việc được. Hiện phòng chống buôn bán người giao cho cảnh sát hình sự nhưng 80% công việc giải quyết trật tự an toàn là lực lượng này đảm nhận, họ chưa giải quyết được việc của họ thì làm sao giải quyết việc khác được. Chính vì thế chỉ phát hiện qua điều tra, đơn thư tố giác của người dân và người bị hại. Lực lượng chuyên trách nên cơ cấu trong nguồn lực địa phương, không phình ra mà chỉ giao thêm nhiệm vụ chuyên sâu.
– Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Sở Tư pháp Hà Nội