Thông tin từ báo Sài Gòn Giải Phóng – ngày 23/08/2010.
(SGGPO).- Với tinh thần tập trung quy định đầy đủ, cụ thể các biện pháp phòng ngừa (do nội dung “chống” đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác), dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người đã được UB Tư pháp thẩm tra sơ bộ và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp sáng nay, 23-8.
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nhận định, khái niệm “mua bán người” được giải thích như trong dự thảo Luật (nhấn mạnh yếu tố sử dụng thủ đoạn, trừ khi nạn nhân là người chưa thành niên, người có khiếm khuyết về trí tuệ hoặc thể chất) đã thu hẹp phạm vi của tội mua bán người mà Bộ luật Hình sự đã quy định.
Bà Lê Thị Thu Ba nói: “Là luật chuyên ngành về phòng, chống mua bán người; dự thảo luật cần phải quy định một cách đầy đủ, cụ thể tất cả các hành vi mua bán người, kể cả các hành vi vi phạm khác liên quan tới mua bán người chứ không nên đưa ra một định nghĩa mà trong đó lại có nhiều cụm từ chưa rõ về nội hàm”.
Tương tự, các khái niệm “nạn nhân” và “người cần được xác minh là nạn nhân” cũng chưa được dự thảo Luật giải thích một cách chính xác.
Tham dự phiên họp với tư cách khách mời, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa nêu vấn đề: “Việc đưa người lao động đi nước ngoài đã được điều chỉnh ở bộ luật khác, có nên đưa vào đây nữa hay không”?
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, đại diện cơ quan soạn thảo Luật trả lời: “Việc chống mua bán người đã có nhiều luật, nhưng phòng ngừa thì chủ yếu mới có ở các văn bản dưới luật. Vì thế, cần phải “quét” cho hết tất cả các trường hợp, nếu bỏ ra e sẽ có sơ hở”.
Cũng liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước nói thêm: “Có vẻ như dự thảo luật mới chỉ chú trọng điều chỉnh việc mua bán người trong nước bán ra nước ngoài, trong khi trên thực tế còn xuất hiện cả tình trạng mua bán – sử dụng ngay trong nước, hoặc trường hợp Việt Nam là địa bàn trung chuyển…”.
Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị nên quy định về thời hạn xử lý tố giác, tin báo về hành vi mua bán người ngắn hơn; thủ tục đơn giản hơn và kết hợp với các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện hoặc nhận được tin tố giác không nhất thiết phải báo tin bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền mà có thể linh hoạt thực hiện bằng nhiều hình thức khác như điện thoại, fax, Internet hoặc trực tiếp khai báo…