Thông tin từ website daibieunhandan.vn – ngày 11/02/2010
Để hoàn thiện Dự thảo Luật Phòng, chống buôn bán người, Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính, Bộ Tư pháp vừa tổ chức một số cuộc hội thảo. Tuy nhiên, những nội dung quan trọng của dự thảo Luật vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về tên gọi của luật.
Đa số ý kiến cho rằng, nên để là Luật Phòng, chống buôn bán người cho phù hợp với các yêu cầu của cam kết quốc tế, nhất là Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia mà Việt Nam đã ký kết và chuẩn bị phê chuẩn và Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người mà Việt Nam đang dự kiến tham gia. Điều này chứng tỏ quyết tâm và xu hướng hội nhập quốc tế của Nhà nước ta trong đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm xuyên quốc gia. Hiện nay, nhiều nước đã ban hành Luật Phòng, chống buôn bán người. Vì vậy, việc xây dựng luật phù hợp với pháp luật quốc tế sẽ tạo thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn bán người. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, khái niệm mua bán người rộng hơn, bao hàm cả hành động mua bán của cá nhân và mua bán có tổ chức. Nếu lấy tên Luật là Luật buôn bán sẽ không bao hàm được hành động mua bán lẻ, như trường hợp bố bán con, ông bán cháu… Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành, cụ thể là Bộ luật Hình sự được sửa đổi, bổ sung mới chỉ có quy định tội mua bán người (Điều 119) mà chưa quy định tội buôn bán người. Vì vậy, ban hành Luật cũng không phải sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành. Để giải quyết được những mâu thuẫn này, theo Ban soạn thảo, Luật nên có tên là Luật Phòng, chống buôn bán người. Văn bản hướng dẫn thực hiện Luật nên quy định rõ hành vi buôn bán có 2 hình thức: mua bán đơn lẻ và mua bán có tổ chức. Như vậy bao hàm đầy đủ các hành vi và thể hiện sự tôn trọng luật pháp quốc tế.
Vấn đề có hay không nên có cơ quan chuyên trách phòng, chống buôn bán người cũng còn những luồng ý kiến khác nhau.
Ý kiến thứ nhất cho rằng cần phải thành lập cơ quan chuyên trách phòng, chống buôn bán người trong lực lượng Công an nhân dân và Bộ đội Biên phòng – hai lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này. Luật cũng phải quy định chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách này. Giống như một số cơ quan chuyên trách về phòng, chống một số loạt tội phạm khác đã được thành lập như cơ quan chuyên trách về phòng chống ma tuý, tội phạm công nghệ cao, cơ quan chuyên trách về phòng, chống buôn bán người sẽ là cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong đấu tranh phòng, chống tội phạm này, được Nhà nước giao cho một số quyền hạn đặc biệt nhằm bảo đảm hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ.
Ý kiến thứ hai cho rằng, với tình hình hiện nay và chủ trương giảm mạnh biên chế trong lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng thì chưa cần thiết phải thành lập cơ quan chuyên trách. Việc thành lập cơ quan chuyên trách sẽ đi ngược lại chủ trương chung, làm tăng biên chế, kinh phí. Thay vào đó, có thể tính đến phương án trao thêm nhiệm vụ phòng, chống buôn bán người cho những cơ quan đã được thành lập. Các cơ quan này sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên sâu về công tác này. Nhiều ý kiến tán thành hướng quy định mở, giao cho lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng tự quyết định.
Về chính sách hỗ trợ nạn nhân, vấn đề đặt ra là thời điểm có thể bắt đầu hỗ trợ, tránh việc lạm dụng chính sách này. Nhiều ý kiến ủng hộ phương án chỉ hỗ trợ nạn nhân sau khi các cơ quan hữu quan đã xác định đúng là nạn nhân bị buôn bán với điều kiện Luật phải quy định các căn cứ và thời điểm để xác minh nạn nhân trong thời gian ngắn nhất. Việc này giúp Nhà nước tránh phải tiêu phí một khoản kinh phí không cần thiết, tránh việc lạm dụng chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nên hỗ trợ ngay cho nạn nhân. Theo Ban soạn thảo, phải hỗ trợ ngay cho nạn nhân nhưng nên chia làm 2 thời điểm: hỗ trợ ban đầu (theo quy định của pháp luật hiện hành, bất kỳ một nạn nhân của một loại tội phạm nào, dù chưa được xác minh cũng được hưởng một khoản hỗ trợ ban đầu), sau đó mới xác minh rõ để thực hiện chính sách cho đúng đối tượng.
Xung quanh việc thành lập quỹ hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán cũng còn luồng ý kiến trái chiều. Cần phải thành lập quỹ để hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán, hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị cho các cơ sở tiếp nhận nạn nhân và cơ sở hỗ trợ nạn nhân tại các địa phương khó khăn về kinh tế. Quỹ sẽ là đầu mối thống nhất để huy động các nguồn kinh phí, tạo thuận lợi cho công tác hỗ trợ nạn nhân. Tuy nhiên, việc thành lập quỹ sẽ kéo theo nhiều biên chế bổ sung để quản lý, và vấn đề đặt ra là phải có cơ chế quản lý để tránh thất thoát tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Hơn nữa, so với việc hỗ trợ các đối tượng khác như người nghèo, người khuyết tật… việc thành lập quỹ hỗ trợ nạn nhân buôn bán chưa thực sự cần thiết trong thời điểm hiện nay.
Nguồn: daibieunhandan.vn