Thông tin từ Báo Người lao động online – ngày 18/12/2010.
Lừa đảo thông qua ký kết hợp đồng cung ứng lao động giữa doanh nghiệp xuất khẩu lao động với các đối tác nước ngoài có chiều hướng gia tăng…
“Trước tình hình lừa đảo xuất khẩu lao động (XKLĐ) có nguy cơ gia tăng như hiện nay, các doanh nghiệp (DN) phải chấn chỉnh hoạt động, đặc biệt hết sức thận trọng trong ký kết hợp đồng để tránh thiệt cho mình và người lao động (NLĐ)”. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Dolab), vừa đưa ra khuyến cáo như vậy.
Cảnh báo từ UAE
Dolab vừa có công văn yêu cầu các DN XKLĐ VN không đàm phán, ký kết hợp đồng cung ứng lao động với Công ty Al-Asil for Manpower tại UAE (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất), do ông Abdullah Al Shamisi làm giám đốc do nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo. Vụ việc được phát hiện sau khi một DN XKLĐ (xin giấu tên) trình hồ sơ đăng ký thẩm định hợp đồng cung ứng lao động sang UAE làm việc ở lĩnh vực nhà hàng khách sạn thông qua đối tác trên.
Qua xác minh, Dolab cho biết các địa chỉ và số điện thoại liên lạc của Al-Asil for Manpower và các khách sạn mà công ty này yêu cầu cung ứng lao động là không có thực; các giấy tờ liên quan đến thủ tục xin giấy phép làm việc và thị thực nhập cảnh nghi là giả mạo. Ngoài ra, mức lương mà Al-Asil for Manpower đưa ra trong “thư yêu cầu” và “hợp đồng lao động” cao bất thường so với mặt bằng mức lương chung hiện nay ở UAE.
Bài học nhãn tiền
Theo tài liệu do Hiệp hội XKLĐ VN cung cấp, cách đây không lâu, một DN XKLĐ VN nhận được lời mời hợp tác từ Công ty Môi giới Easy-Link Accra (Ghana). Trong “thư yêu cầu hợp tác”, ông giám đốc Johnson Addo giới thiệu: Easy-Link Accra có đối tác là các công ty thủy sản lớn ở Mỹ, Canada, Tây Ban Nha và đang cần tuyển nhiều lao động VN sang làm việc cho một nhà máy chế biến thủy sản ở Vancouver – Canada. Theo đó, NLĐ làm việc theo thời hạn 2 năm với mức lương 20 USD/giờ, làm việc 8 giờ/ngày, được làm thêm 4 giờ/ngày.
Để được thực hiện hợp đồng, DN XKLĐ VN thu của NLĐ và chuyển cho Easy-Link Accra khoản phí môi giới 5.500 USD/người… Sự nhiệt tình và vội vã đàm phán của Easy-Link Accra đã khiến DN trên nghi ngờ, nhờ cơ quan ngoại giao xác minh. Kết quả có ngay sau đó: Easy-Link Accra bị nghi là môi giới lừa đảo.
Không phải DN nào cũng thận trọng như trên. Thực tế là do quá tốn kém trong việc bay đi bay lại tìm hiểu thị trường, đối tác nên có không ít DN chỉ… ngồi ở nhà ký hợp đồng. Hậu quả là năm 2009, gần 25 DN bị thiệt hại hàng triệu USD do nhận trước của mỗi lao động từ 1.000 USD – 3.000 USD để đưa trước cho các đối tác lừa đảo.
Thận trọng với đối tác “mác” Việt kiều
Hiện nay, ở các thị trường Malaysia, Đài Loan, các nước Trung Đông, Nga… các DN XKLĐ thường có quan hệ hợp tác cung ứng lao động với đối tác là Việt kiều, chủ yếu là phụ nữ VN lấy chồng người nước ngoài mở công ty môi giới lao động. Nhiều DN XKLĐ và NLĐ bị nhóm đối tượng môi giới này lừa đảo, nhất là ở thị trường UAE.
Theo báo cáo của Đại sứ quán VN tại UAE, đã có nhiều trường hợp NLĐ sang UAE bị chính các đối tượng người Việt ở nước ngoài lừa đảo. Những người này lập ra các hợp đồng tuyển dụng ma, thu tiền môi giới XKLĐ, vé máy bay, phí đào tạo… sau đó đưa nạn nhân ra nước ngoài rồi bỏ rơi họ.
Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, phần lớn nạn nhân đều không có đủ bằng chứng pháp lý để kiện các đối tượng lừa đảo như: không có hợp đồng XKLĐ hoặc nếu có chỉ là giao kèo viết tay, không có phiếu thu tiền để chứng minh các khoản tiền đã nộp, thậm chí không biết cá nhân, tổ chức đã đưa mình ra nước ngoài là ai.
Làm gì để tránh bị lừa?
Theo khuyến cáo của Dolab, đối với các DN, cần kiểm tra kỹ tư cách pháp nhân của công ty môi giới và người môi giới; tuyệt đối không đưa tiền đặt cọc, phí môi giới trước khi ký hợp đồng, trước khi NLĐ được cấp thị thực lao động. Trong trường hợp cần thiết, nhờ cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài thẩm tra, xác minh thông tin về đối tác, hợp đồng môi giới, hợp đồng tuyển dụng… trước khi ký kết giao kèo thương mại hoặc tuyển dụng lao động.
Đối với NLĐ, để tránh bị lừa, không nên thông qua hay giao phó hoàn toàn cho các cá nhân, đối tượng môi giới, kể cả những người thân thuộc, quen biết, thay mình làm thủ tục đăng ký, nộp tiền, ký hợp đồng…