CAMSA- ngày 6/12/2010.
Dự luật Phòng chống mua bán người của Việt Nam đang trong quá trình tiếp thu chỉnh lý, chờ Quốc hội thông qua vào kỳ họp IX đầu năm 2011. Trong thời gian này, ở Việt Nam diễn ra nhiều cuộc trao đổi, bàn luận xung quanh các quy định của Dự luật. Mới đây tại Hà Nội, trong giới khoa học, các chuyên gia pháp lý, luật sư đã tổ chức hội thảo Phòng chống buôn bán người: Viễn cảnh trên thế giới, ASEAN và Việt Nam.
TSKH.GS. Lê Văn Cảm – Trưởng bộ môn Tư pháp hình sự kiêm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tội phạm học của Đại học Quốc gia Hà Nội đã nêu lên một số điểm hạn chế của Dự luật phòng chống mua bán người như sau:
1. Tên gọi của Luật còn gây nhiều tranh cãi, phòng chống mua bán người hay phòng chống buôn bán người như quy định của văn bản luật quốc tế. Với tên gọi mua bán người đã chính xác về mặt khoa học và đáp ứng các đòi hỏi phòng chống tệ nạn này từ mặt thực tế cuộc sống hay chưa.
2. Trong Dự luật vẫn còn thiếu các quy phạm giải thích một loạt các thuật ngữ quan trọng liên quan đến buôn bán người như “chủ thể buôn bán người” gồm những ai (thể nhân, pháp nhân), việc tài trợ cho hoạt động buôn bán người, thu lợi về vật chất hoặc lợi ích khác từ việc buôn bán người hay không ngăn chặn (không hành động) của các quan chức mặc dù trong phạm vi thẩm quyền, công vụ của mình có trách nhiệm phải làm thì có nằm trong khái niệm “chủ thể buôn bán người” hay không?.
3. Dự luật vẫn còn thiếu các quy phạm đề cập đến việc liệt kê các chủ thể tội phạm trong Bộ luật Hình sự có liên quan đến buôn bán người.
4. Vẫn còn thiếu các quy phạm đề cập đến các căn cứ (cơ sở) về mặt pháp luật phòng – chống buôn bán người (bao gồm: Hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan, các dạng trách nhiệm pháp lý đối với các vi phạm pháp luật về phòng – chống buôn bán người như trách nhiệm của pháp nhân thế nào, có bị giải tán hay tài sản có bị sung vào ngân quỹ của Nhà nước hay không?)
5. Vẫn còn thiếu các quy phạm đề cập đến các căn cứ (cơ sở) về mặt tổ chức phòng – chống buôn bán người (bao gồm: cơ quan hay tổ chức nào sẽ chịu trách nhiệm thành lập các “cơ sở” hỗ trợ nạn nhân trong các vụ buôn bán người; cơ quan nào sẽ thực hiện chức năng phối hợp hoạt động hỗ trợ này…?)