Thông tin từ Báo Người Lao động online – ngày 11/12/2010.
Việc không cung cấp hoặc chậm được cung cấp thông tin lên mạng ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội trúng tuyển sang Hàn Quốc làm việc của người lao động
Thời gian vừa qua, rất nhiều bạn đọc thắc mắc có hay không việc Trung tâm Lao động ngoài nước (OWC) thuộc Bộ LĐ-TB-XH “ém” hồ sơ dự tuyển sang Hàn Quốc của người lao động (NLĐ)?
Người lao động làm thủ tục đăng ký hồ sơ dự kiểm tra tiếng Hàn
Hồ sơ đi về đâu?
Chị Dương Thị Như Hoa cho biết đã tham gia kỳ thi tiếng Hàn năm 2008, sau đó làm hồ sơ dự tuyển nhưng đến nay vẫn không biết hồ sơ của mình có được cung cấp để chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn hay không. Một trường hợp khác, chị Đinh Thị Lan, thắc mắc: “Làm thế nào để biết mình được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn? Có trường hợp nào chủ sử dụng lao động Hàn Quốc nhận mà các cơ quan chức năng không thông báo cho NLĐ không?”…
Bạn Vy Thảo Nguyên cho biết đã thi đậu tiếng Hàn tại kỳ thi tổ chức ngày 25-4-2010 và làm hồ sơ dự tuyển sang Hàn Quốc. Thế nhưng mới đây, khi truy cập website http://eps.go.kr thì bạn mới biết hồ sơ của mình và nhiều người khác vẫn chưa được đưa lên mạng để chủ sử dụng lao động lựa chọn. Tương tự, chị Nguyễn Thị Thúy Hằng xác nhận cũng đã thi đậu kỳ thi tiếng Hàn ngày 25-4-2010, đã làm hồ sơ dự tuyển theo số báo danh 1003, đến nay vẫn chưa biết hồ sơ có đưa lên mạng hay chưa.
Rất nhiều người đang bán tín bán nghi về hồ sơ dự tuyển của mình. Đối với họ, việc không cung cấp hoặc chậm được cung cấp thông tin lên mạng ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội trúng tuyển sang Hàn Quốc làm việc của họ.
Giải thích chưa thỏa đáng
Các thông tin liên quan đến chương trình cấp phép lao động EPS được hiển thị trên trang web của Cơ quan Phát triển nhân lực quốc tế Hàn Quốc (HRD) (www.eps.go.kr) và OWC (www.ttldnnvietnam.gov.vn). Tuy nhiên, ở hai trang web này, thông tin cá nhân của NLĐ chỉ được định dạng duy nhất ở công cụ tra cứu kết quả điểm thi tiếng Hàn theo số báo danh.
Theo ông Vũ Minh Xuyên, Phó Giám đốc OWC, việc không công khai hồ sơ dự tuyển sang Hàn Quốc của NLĐ ở hai trang web trên là nhằm mục đích bảo vệ NLĐ, phòng tránh việc lừa đảo. Ông Xuyên giải thích: Nếu hồ sơ của NLĐ được hiển thị, các cá nhân, tổ chức ngoài luồng có thể lần theo mã số biết được địa chỉ, số liên lạc của họ để thực hiện các hành vi lôi kéo, dụ dỗ, tạo thông tin trúng tuyển ảo nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Một quan chức Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho biết đã có vài người đặt vấn đề mua mã số hồ sơ của NLĐ. “NLĐ phải tin vào cơ quan Nhà nước. Hoàn toàn không có khuất tất nào trong khâu tiếp nhận, xử lý, cung cấp hồ sơ”- ông Phan Văn Minh, Giám đốc OWC, khẳng định.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc một số cá nhân, tổ chức bên ngoài lợi dụng nhu cầu sang Hàn Quốc của NLĐ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản là có thật. Tuy nhiên, nếu lấy lý do này để không công khai hồ sơ của NLĐ là chưa thỏa đáng.
Nhanh, chậm phụ thuộc quy trình
Theo quy trình hiện hành, hồ sơ dự tuyển của NLĐ được nơi tiếp nhận đăng ký ban đầu (sở LĐ-TB-XH các tỉnh, TP) tập hợp, chuyển về OWC. Sau khi kiểm tra, những hồ sơ hợp lệ sẽ được OWC chuyển sang HRD để cơ quan này lần lượt đưa lên mạng cho chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn theo hình thức cuốn chiếu.
Do thực hiện theo hình thức cuốn chiếu nên xảy ra hiện tượng cùng tham gia một kỳ thi, cùng thời điểm làm hồ sơ dự tuyển nhưng có người may mắn trúng tuyển sớm, có người chờ đợi rất lâu vẫn không trúng tuyển, thậm chí mất cơ hội vì hồ sơ chậm đưa lên mạng.