CAMSA – ngày 26/11/2010.
Trích Báo cáo số 365/2010 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam về “việc tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” ngày 28 tháng 9 năm 2010.
Tình trạng hoạt động yếu kém của các doanh nghiệp Xuất khẩu lao động Việt Nam:
– Quy mô hoạt động của phần đông doanh nghiệp còn nhỏ. Qua tổng hợp số liệu báo cáo của các doanh nghiệp, chỉ có 17 doanh nghiệp mỗi năm đưa từ 1.000 lao động trở lên đi làm việc ở nước ngoài; 29 doanh nghiệp từ 500 lao động đến dưới 1.000 lao động; 50 doanh nghiệp từ 300 lao động đến dưới 500 lao động và 52 doanh nghiệp đưa dưới 100 lao động mỗi năm.
– Tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của phần lớn doanh nghiệp còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của hoạt động này. Trình độ của đội ngũ cán bộ hạn chế, nhất là các doanh nghiệp hoạt động đa ngành chưa quan tâm đầy đủ đối với tổ chức chuyên hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hợp đồng cung ứng lao động có ý nghĩa quyết định nhưng chủ yếu qua môi giới, doanh nghiệp không có điều kiện tìm hiểu đầy đủ về đơn vị tiếp nhận lao động nên chất lượng hợp đồng cung ứng lao động chưa bảo đảm. Việc đăng ký hợp đồng cung ứng lao động vẫn còn vi phạm dưới nhiều hình thức khác nhau như: không đăng ký hợp đồng; tổ chức thực hiện hợp đồng trước khi đăng ký; đưa lao động đi nhiều hơn số lượng hợp đồng đăng ký; chưa có chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước vẫn thực hiện hợp đồng . Hợp đồng cung ứng lao động còn những nội dung chưa được bảo đảm theo quy định của pháp luật, thiếu rõ ràng về nội dung, nhất là các điều khoản liên quan đến quyền lợi của người lao động. Theo đánh giá của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong tổng số 167 doanh nghiệp dịch vụ có khoảng 30% doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả cao, 50% doanh nghiệp hiệu quả hoạt động trung bình và 20% doanh nghiệp còn lại hoạt động kém hiệu quả.
– Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, giành hợp đồng cung ứng lao động giữa các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước dẫn đến giảm quyền lợi, tăng chi phí đóng góp của người lao động vẫn xảy ra mà chưa có biện pháp xử lý hiệu quả; một bộ phận doanh nghiệp được cấp phép hoạt động nhưng không trực tiếp khai thác, tìm kiếm hợp đồng cung ứng lao động, tư vấn, tuyển chọn lao động mà khoán trắng mọi hoạt động từ việc tìm kiếm thị trường, thực hiện hợp đồng cung ứng lao động cho chi nhánh hoặc trung tâm trực thuộc trong khi quản lý không chặt chẽ hoạt động thực sự của chi nhánh, trung tâm; tuyển chọn lao động thông qua môi giới, liên kết tràn lan, triển khai không thống nhất ; vẫn còn hiện tượng nhân viên doanh nghiệp đi tuyển chọn lao động nhưng lại “chuyển” lao động tuyển được cho doanh nghiệp khác để nhận hoa hồng và tình trạng doanh nghiệp dồn người lao động vào thế bị động khi ký kết hợp đồng trước khi ra nước ngoài làm việc, có những nội dung giữa thực tế và ký kết không theo hợp đồng và phần thiệt hại chủ yếu thuộc về người lao động.
– Các doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm quy định của pháp luật về tổ chức, quản lý quá trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong 167 doanh nghiệp với gần 300 ngàn lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài tại khoảng 40 thị trường chỉ có 22 văn phòng đại diện của doanh nghiệp ở nước ngoài. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, chi nhánh chưa thực hiện hoặc thực hiện không tốt, không đầy đủ chế độ báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền , nhất là việc thông báo những vấn đề liên quan đến người lao động với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
– Công tác đầu tư, đào tạo nghề, giáo dục định hướng của không ít doanh nghiệp thiếu kỹ lưỡng, có tính hình thức, chưa bảo đảm chất lượng, việc bổ túc tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động chưa đảm bảo yêu cầu, chỉ dừng lại ở việc giáo dục định hướng, trang bị bước đầu một số kỹ năng nghề, đáp ứng yêu cầu trước mắt của doanh nghiệp.