CAMSA – ngày 22/11/2010.
1. Cần quan tâm đến hội nhập luật quốc tế và khu vực;
2. Cần bổ túc định nghĩa Buôn Người một cách đầy đủ và rõ ràng;
3. Cần hình sự hóa tội buôn người;
4. Cần xem phòng chống nạn buôn bán lao động là một trọng tâm của Dự luật
CAMSA nhận thấy hành vi chuyển vận người lao động xuyên quốc gia thông qua các tổ chức môi giới lao động, xuất khẩu lao động đã diễn ra ở quy mô lớn và ngày càng gây hậu quả nghiêm trọng cho các nạn nhân nói riêng và xã hội nói chung. Ở Việt Nam, trong chủ trương phát triển kinh tế bằng cách tận dụng các nguồn nhân lực rẻ, việc “xuất khẩu lao động” đang có nguy cơ biến thành phương tiện để buôn người. Nguy hại hơn nữa, hành vi buôn lao động xuyên quốc gia này lại không phải là hành vi của các cá nhân mà là hoạt động rất chuyên nghiệp của các tổ chức có tư cách pháp nhân, mang tên công ty dịch vụ xuất khẩu lao động (công ty XKLĐ), liên quan mỗi lần đến hàng chục, hàng trăm người và do đó đã để lại hậu quả xã hội rất lớn.
a. Vấn nạn buôn lao động Việt Nam
Trong rất nhiều trường hợp các người lao động Việt Nam ở nước ngoài đã trở thành nạn nhân của nạn buôn người. Nếu xét trên tiêu chuẩn của định nghĩa buôn người chiếu theo Điều 2 của Dự luật thì những trường hợp này hội đủ cả 3 yếu tố hành vi, thủ đoạn và mục đích để cấu thành tội buôn người. Ở Việt Nam các công ty XKLĐ (doanh nghiệp dịch vụ) đã tuyển dụng những người lao động này qua nhiều kênh khác nhau, với hứa hẹn cho họ mức lương cao, điều kiện làm việc tốt. Tin tưởng vào những hứa hẹn ghi trong hợp đồng (nội) họ đi vay mượn tiền ngân hàng để đóng tiền dịch vụ môi giới và trang trải các chi phí xuất ngoại khác. Khi ra đến nước ngoài họ phải ký với chủ sử dụng lao động một hợp đồng (ngoại) khác với hợp đồng cũ. Trong thời gian ở nước ngoài họ bị mất nhiều quyền tự do căn bản. Họ bị giới hạn hoặc tước đoạt quyền tự do đi lại, đi du lịch hay hồi hương vì đã hộ chiếu của họ bị chủ bị tước đoạt. Họ không có phương tiện tài chánh và cũng chẳng có giấy tờ hợp lệ để về nước dù có chạy thoát. Họ bị cấm tham gia công đoàn, cấm đình công. Họ đã bị bóc lột sức lao động. Nhiều người đã phải làm việc từ 12 đến 15 tiếng mỗi ngày, trong nhiều ngày liên tục. Số người bị quịt lương, cắt mất 2/3 lương tháng hàng 3 năm trời không phải là hiếm. Nhiều người đã bị các công ty môi giới chuyển nhượng sang tay. Họ không có bảo hiểm sức khoẻ bình thường mà chỉ có bảo hiểm tai nạn lao động mà thôi. Nếu phản đối thì họ bị trừ lương, bị đánh đập, bị giam kỷ luật nhiều ngày, bị bỏ đói. Nếu bị trục xuất về nước trước thời hạn hợp đồng thì họ sẽ lâm vào tình trạng bị mất nhà mất ruộng do đã không kiếm đủ tiền trả nợ cho ngân hàng. Quốc tế gọi tình trạng của họ là nô lệ kiểu mới (modern-day slavery) hoặc là nạn nhân buôn người.
Trên nguyên tắc các công ty XKLĐ Việt Nam là người có trách nhiệm bảo vệ những người đã ký hợp đồng với công ty của mình. Nhưng trong nhiều trường hợp các công ty XKLĐ đã liên kết với công ty nước ngoài để trấn áp người lao động. Điều này không chỉ trái với “Luật đưa Người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc” do Việt Nam ban hành hồi năm 2006 mà còn là hành vi tiếp tay cho quá trình biến người lao động thành nạn nhân của buôn bán lao động. Trên thực tế các cơ quan chức năng Việt Nam đã không thụ lý các vụ buôn người lao động với hậu quả là các nạn nhân đã không được cứu giúp trong tình trạng nguy khốn. Các tòa án Việt Nam chưa mở phiên xử nào về tội buôn người lao động.
CAMSA nhận thấy những qui định pháp lý hiện nay ở Việt Nam không thích hợp với việc giúp đỡ và bảo vệ các nạn nhân của nạn buôn lao động. Cho nên Dự luật cần xem vấn đề buôn bán lao động là một trong những đề tài trọng tâm.
b. Bổ sung một số khái niệm liên quan đến vấn đề bóc lột lao động
Điều 2 của Dự luật đã không có quan tâm đúng mức đối với tệ nạn buôn bán lao động và chỉ ghi duy nhất có cụm từ “bóc lột sức lao động” vào trong phần mục đích của hành vi buôn người cũng như không có bất cứ khai triển và giải thích nào thêm.
Nghị định thư Palermo qui định rằng tối thiểu những hoạt động sau đây phải được xem là hoạt động bóc lột sức lao động: khai thác lao động cưỡng bức, khai thác dịch vụ cưỡng bức, khai thác tôi đòi, khai thác nô lệ, các hình thức tương tự như khai thác nô lệ.
ĐỀ NGHỊ SỬA ĐỔI:
CAMSA đề nghị các nhà soạn Luật Phòng Chống Mua Bán Người Việt Nam:
Bổ túc Điều 2, khoản 1, cả phần a) lẫn b) bằng điều khoản như sau:
Ít nhất những hoạt động sau đây phải được xem là hoạt động bóc lột sức lao động: khai thác lao động cưỡng bức, khai thác dịch vụ cưỡng bức, khai thác tôi đòi, khai thác nô lệ hay hình thức tương tự như khai thác nô lệ.
Bổ túc thêm cho Điều XXX đã nêu ở trên (Giải thích các thuật ngữ quan trọng)-
Trong Điều 2,
– “bóc lột” có nghĩa là: …;
(xin xem đề nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO )
– “lao động cưỡng bức và dịch vụ cưỡng bức” có nghĩa là: …;
(xin xem đề nghị của Công ước về Cưỡng bức Lao động )
– “nô lệ” có nghĩa là: …;
(xin xem đề nghị của Công ước về Nô lệ )
– “hành vi tương tự như khai thác nô lệ” có nghĩa là: …;
(xin xem đề nghị của Công ước Bổ sung về việc Bài trừ Nô lệ )
– “tôi đòi” có nghĩa là: …;
(xin xem đề nghị trong “Soạn thảo Luật chống Buôn người” của Liên Hiệp Quốc )
Bổ sung Điều YXX (Tội sử dụng lao động hoặc dịch vụ cưỡng bức) :
Người nào có hoạt động sử dụng dịch vụ hoặc sức lao động của một người khác, hoặc kiếm lợi từ dịch vụ hoặc sức lao động của một người khác mặc dù biết trước rằng dịch vụ này đã được cung cấp hoặc sức lao động này đã được thực hiện trong một hay nhiều điều kiện được định nghĩa bởi Điều 2 khoản 1 của Luật này thì sẽ bị phạt tù từ … năm đến … năm hoặc/và phạt tiền từ … Đồng đến … Đồng.
Bổ sung Điều YXY (Tội tiếp tay cho hành vi buôn người):
Viên chức nhà nước hoặc nhân viên công ty tư nhân làm việc trong các ngành nghề dễ xảy ra tình trạng mua bán người như được qui định tại Điều 14 khoản 1 của Luật này mà cố tình để xảy ra hành vi buôn người lao động thì sẽ bị phạt tù từ … năm đến … năm hoặc/và phạt tiền từ … Đồng đến … Đồng.
Bổ sung Điều YXZ (Tội không cứu giúp nạn nhân):
Viên chức nhà nước hoặc nhân viên công ty tư nhân nào nhận được sự kêu cứu của nạn nhân của vụ buôn người lao động mà không có hành động xử lý đúng mức thì sẽ bị phạt tù từ … năm đến … năm hoặc/và phạt tiền từ … Đồng đến … Đồng.
Bổ sung Điều YYX (Vô hiêu hóa hợp đồng trong vụ buôn người):
Dựa trên tinh thần của Điều 2 khoản 1 điểm c của luật này, các điều khoản trong bản hợp đồng ràng buộc trách nhiệm của công nhân với công ty dịch vụ lao động đều trở thành vô hiệu nếu liên can đến vấn đề buôn người. Các công ty dịch vụ lao động do đó không có quyền đòi hỏi nạn nhân tuân thủ các điều khoản ấy.