CAMSA – ngày 22/11/2010.
LTS: Trong hơn một năm kể từ thời điểm Việt Nam tiến hành xây dựng Đạo luật phòng chống mua bán người, CAMSA luôn dõi theo và nghiên cứu các dự thảo luật được ban hành. Với mong muốn từ đây có thể đóng góp những kinh nghiệm đã tích lũy được từ công tác phòng chống buôn bán người mà CAMSA đang thực hiện vào các nội dung cụ thể của Đạo luật phòng chống mua bán người của Việt Nam. Sau khi nghiên cứu sâu sắc các nội dung được xây dựng trong Dự thảo Luật phòng chống mua bán người lần thứ 7, CAMSA soạn thảo Bản kiến nghị các góp ý hoàn thiện Đạo luật phòng chống mua bán người. Xin gửi tới các Quý độc giả.
Tài liệu tham chiếu: Dự thảo Luật phòng chống mua bán người (lần thứ 7)
1. Quan tâm đến việc hội nhập luật quốc tế và khu vực
Trong những năm qua hành vi buôn người đã lan tràn mạnh mẽ và trở thành một hành vi phạm pháp có tổ chức trong phạm vi quốc gia cũng như xuyên quốc gia với một tổng số thu nhập vô cùng lớn, có lẽ chỉ đứng sau hành vi buôn bán ma túy. Trong lãnh vực buôn người xuyên quốc gia việc phòng chống tệ nạn buôn người đòi hỏi phải có sự phối hợp song phương hoặc đa phương. Đó là lý do mà Liên Hiệp Quốc đã cho ra đời Công ước Chống Tội phạm có Tổ chức Xuyên Quốc gia và Nghị định thư „Phòng, Chống và Trừng phạt Hành vi Buôn người- đặc biệt đối với Phụ nữ và trẻ em“ (còn gọi tắt là Nghị định thư Palermo), mà Việt Nam đang chuẩn bị việc tham gia và phê chuẩn. Một số quốc gia trong khu vực Á Châu, thí dụ như Đài Loan (2009), Thái Lan (2008), Mã Lai (2007) , Phi Luật Tân (2003) , cũng đã có luật chống buôn người.
CAMSA cho rằng nếu được soạn trong tinh thần hài hòa với luật quốc tế và các bộ luật của các quốc gia trong khu vực thì đạo luật chống buôn người của Việt Nam mới phát huy được hiệu quả cao nhất trong thực tế cũng như tránh được tình trạng phải bị điều chỉnh sau khi Việt Nam tham gia vào các công ước quốc tế tương ứng.
Trong tinh thần đó những góp ý chính của CAMSA đối với Dự thảo Luật Phòng, Chống Mua Bán Người của CHXHCN Việt Nam (sau đây sẽ gọi tắt là Dự luật) sẽ chủ yếu dựa trên tập hướng dẫn về việc “Soạn thảo Luật chống Buôn người” của Liên Hiệp Quốc .