CAMSA – ngày 22/11/2010.
1. Cần quan tâm đến hội nhập luật quốc tế và khu vực;
2. Cần bổ túc định nghĩa Buôn Người một cách đầy đủ và rõ ràng;
3. Cần hình sự hóa tội buôn người;
4. Cần coi phòng chống buôn bán lao động là một trọng tâm của Luật;
5. Cần hướng về quyền lợi của nạn nhân
Một đạo luật về buôn người muốn được đánh giá là nhân bản thì trước hết nó phải hướng về nạn nhân và tìm cách bảo vệ tối đa quyền lợi cho nạn nhân bị buôn bán theo phương châm “thà cứu lầm còn hơn bỏ sót”.
a. Cần có quan niệm rộng lượng đối với nạn nhân
Dự luật định nghĩa nạn nhân là “người được xác định bị mua bán trong vụ án mua bán người” (Điều 2, khoản 2). Như vậy một người phải chờ có bản kết luận điều tra, bản cáo trạng, bản án, quyết định của Tòa án, v.v… (Điều 22) thì mới được xem là nạn nhân. Xét rằng thủ tục tố tụng tại Việt Nam thường kéo rất dài và gây nhiều phiền nhiễu cho các đương sự, CAMSA cho rằng định nghĩa này sẽ khiến cho các nạn nhân ngại ngùng trong việc khai báo và tố cáo hành vi buôn người với chính quyền. Tương tự CAMSA cho rằng khái niệm “người đang chờ xác minh là nạn nhân“ được sử dụng trong Dự luật là không thích hợp vì đã làm cho người ta có cảm tưởng rằng luật buôn người đang phân biệt đối xử giữa “nạn nhân” và “người đang chờ xác minh là nạn nhân“. Cuối cùng việc cấm hành vi “giả mạo nạn nhân” (Điều 7 khoản 7) dễ tạo nên một thái độ nghi ngờ mặc định đối với cả những nạn nhân thực sự. Dựa trên tinh thần muốn có một bộ luật hướng về nạn nhân CAMSA đề nghị Dự luật cần thể hiện một thái độ rộng lượng đối với những con người có thể đã phải trải qua rất nhiều khổ đau về tinh thần lẫn thể chất trong các vụ buôn người.
ĐỀ NGHỊ SỬA ĐỔI:
CAMSA đề nghị các nhà soạn luật sử dụng định nghĩa về nạn nhân do Liên Hiệp Quốc đề nghị cho Dự luật Phòng Chống Mua Bán Người và:
Sửa đổi Điều 2, khoản 2 thành như sau:
Nạn nhân là người bị mua bán theo định nghĩa của Điều 2 khoản 1 hoặc là người đã làm cho các cơ quan chính phủ có thẩm quyền hay những tổ chức phi chính phủ (NGO) hoạt động trong lĩnh vực phòng chống buôn người tin một cách hợp lý rằng họ là nạn nhân của nạn buôn người, bất kể lúc đó thủ phạm đã bị phát hiện, bắt giữ, truy tố và kết án chưa.
Xóa bỏ hẳn cụm từ “người đang chờ xác minh là nạn nhân“
và thay thế nó bằng từ “nạn nhân” trong những điều khoản tương ứng của Dự luật và thay đổi những điều khoản này cho thích hợp.
Xóa bỏ hẳn Điều 7 khoản 7 (hành vi “giả mạo nạn nhân”) ra khỏi Dự luật.
b. Tăng cường bảo vệ an toàn cho nạn nhân và nhân chứng
CAMSA quan niệm rằng cả nạn nhân lẫn nhân chứng đều cần được bảo vệ.
Điều 24 qui định nhiều biện pháp hữu hiệu để bảo vệ an toàn cho nạn nhân và thân nhân của họ. Duy nhất các biện pháp “răn đe, cảnh cáo, vô hiệu hóa đối tượng có hành vi gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của nạn nhân, …” (Điều 24 khoản 1 điểm d) là không thích hợp với tinh thần hình sự hóa tội buôn người. Vì những người có hành vi xâm phạm này có thể chính là thủ phạm hoặc tòng phạm trong một vụ án buôn người cho nên CAMSA quan niệm rằng những người có hành vi xâm phạm này cần bị truy tố trước pháp luật hình sự chứ không thể chỉ bị áp dụng biện pháp hành chánh như răn đe, cảnh cáo hay vô hiệu hóa.
Ngoài ra CAMSA quan niệm rằng cả xã hội sẽ có nhiệm vụ giữ bí mật về thông tin cá nhân của các nạn nhân vì điều này thể hiện sự tôn trọng nhân phẩm. Các cơ quan truyền thông cũng cần phải tôn trọng nguyên tắc này .
ĐỀ NGHỊ SỬA ĐỔI:
CAMSA đề nghị các nhà soạn luật Việt Nam:
Sửa đổi Điều 24 khoản 1 điểm d thành như sau:
Người có hành vi gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ hay quyền lợi của nạn nhân hoặc nhân chứng trong một vụ buôn người và người thân thích của họ thì sẽ bị phạt tù từ … năm đến … năm hoặc/và phạt tiền từ … Đồng đến … Đồng.
Sửa đổi Điều 41 khoản 2 (Trách nhiệm bảo vệ bí mật cá nhân nạn nhân của giới truyền thông):
(2) Không một tài liệu quảng cáo, ấn phầm, cơ sở truyền thanh, truyền hình, bản tin điện tử, trang mạng hay bất cứ loại phương tiện truyền thông nào khác được phép nêu tên và những thông tin có thể dùng vào việc nhận diện những nạn nhân của vụ buôn người, cũng như bí mật điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người, ngoại trừ trường hợp:
a) được nạn nhân có đầy đủ năng lực pháp lý cho phép;
b) được cơ quan điều tra hình sự xem xét là cần thiết chiếu theo luật hiện hành.
Qui định ở trên không áp dụng đối với các trẻ em là nạn nhân của vụ buôn người.
c. Kiện bồi thường của nạn nhân
Bên cạnh việc truy tố hình sự Dự luật cần mở ra cho các nạn nhân buôn người khả năng kiện dân sự để đòi bồi thường như đề nghị của Nghị định thư Palermo (Điều 6 khoản 6).
ĐỀ NGHỊ SỬA ĐỔI:
CAMSA đề nghị các nhà soạn luật Việt Nam:
Bổ sung Điều ZXX (Quyền kiện dân sự của nạn nhân) :
a) Nạn nhân của vụ buôn người có quyền nộp đơn kiện lên tòa án dân sự để đòi bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần. Việc kiện dân sự có thể tiến hành song song với thủ tục tố tụng hình sự trong cùng một vụ việc.
b) Nạn nhân có quyền được đòi bồi thường về:
i) Các khoản tiền đã đóng cho thủ phạm như dịch vụ phí, phí môi giới, v.v.;
ii) Chi phí điều trị y khoa, vật lý, tâm lý và tâm thần;
iii) Chi phí để phục hồi sức khoẻ;
iv) Chi phí chuyên chở, chăm sóc con em tạm thời, nhà ở tạm thời hay chuyên chở đến nơi tạm trú an toàn;
v) Thiệt hại về lương và thu nhập theo luật hiện hành;
vi) Chi phí do việc điều tra và thủ tục tố tụng gây ra;
vii) Các thiệt hại phi vật chất gây ra bởi những thương tồn về tinh thần, đạo đức, thể chất, những đau khổ về tâm lý, những đau đớn và khổ não do tội ác buôn người đã gây ra cho họ; và
viii) Tất cả mọi chi phí và thiệt hại khác được tòa xác nhận là hậu quả trực tiếp của việc bị buôn bán người.
Bổ sung Điều ZXY (Việc bồi thường):
a) Khi kết án thủ phạm và thành phần khác đã gây thiệt hại cho nạn nhân trong vụ buôn người, tòa án có thể bắt họ phải bồi thường xứng đáng cho nạn nhân hoặc người thân thuộc của họ. Tòa án có thể ra lệnh tịch thu và phát mãi tài sản của họ để thực hiện việc bồi thường.
b) Nếu thủ phạm không có khả năng bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại cho nạn nhân thì chính quyền sẽ giúp đỡ tài chánh trong các trường hợp sau:
i) Nạn nhân bị thương tật trên cơ thể hoặc bị hạn chế về thể chất và tinh thần một cách đáng kể và lâu dài do hậu quả của tội ác trầm trọng;
ii) Gia đình, đặc biệt là người thân thuộc của những người bị chết hoặc đã trở thành tàn phế về thể chất và tinh thần do hậu quả của tội ác.
Bổ sung Điều ZXZ (Thành lập Quỹ Giúp đỡ Nạn nhân Buôn người):
Chính phủ Sẽ cho thành lập Quỹ Giúp đỡ Nạn nhân Buôn người nhằm mục đích:
a) Bồi thường thiệt hại về vật chất và phi vật chất cho nạn nhân;
b) Chi phí cho việc bảo vệ, trợ giúp, tái hội nhập các nạn nhân, và ngăn ngừa khả năng họ bị nạn nhân hóa thêm một lần nữa;
c) Trợ giúp cơ bản cho nạn nhân;
d) Mở lớp học văn hóa và học nghề cho nạn nhân;
e) Mở các trung tâm tiếp nhận và các dịch vụ trợ giúp khác cho nạn nhân;
f) Mở các khóa đào tạo nâng cao năng lực của các nhân viên phục vụ trong các ngành bảo vệ, trợ giúp, tái hội nhập các nạn nhân;
g) Chi phí cho việc tạo điều kiện cho nạn nhân tham gia các phiên xử hình sự.
c) Giúp đỡ cho nạn nhân hồi hương và tham gia tố tụng ở nước ngoài
Sau khi được các cơ quan cảnh sát hoặc các tổ chức phi chính phủ (NGO) giải cứu, nhiều nạn nhân Việt Nam ở nước ngoài đã gặp khó khăn trong việc hồi hương. Hậu quả là nhiều nạn nhân đã tự tìm cách giải quyết vấn đề với nguy cơ là họ sẽ bị lường gạt, bị rơi vào tay các nhóm buôn người khác hay các nhóm đưa người nhập cảnh trái phép.
Ngoài ra các nạn nhân hay nhân chứng cũng cần tham gia các phiên xử về tội buôn người diễn ra ở nước ngoài. Họ rất cần đến sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng. Hiệp định thư Palermo có nhiều qui định liên quan đến cả hai vấn đề hồi hương và tham gia tố tụng .
ĐỀ NGHỊ SỬA ĐỔI:
CAMSA đề nghị các nhà soạn luật Việt Nam:
Sửa đổi và bổ túc Điều 35 khoản 2 (Hợp tác quốc tế trong việc hồi hương nạn nhân) như sau:
a) Các cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự Việt Nam, trong sự phối hợp với các cơ quan chức năng khác, cần chấp nhận và tạo mọi dễ dàng cho các nạn nhân của vụ buôn người được hồi hương, nếu người này là công dân Việt Nam hoặc là người được thường trú tại Việt Nam vào thời điểm trước khi bị buôn người, bằng cách không bắt họ phải chờ đợi quá lâu và với lưu tâm thỏa đáng về các quyền và sự an toàn của họ (bí mật cá nhân, nhân phẩm và sức khoẻ).
b) Nếu nạn nhân không còn giấy tờ nào cả và nếu được nạn nhân hoặc cơ quan thẩm quyền của quốc gia nơi họ bị buôn bán người yêu cầu thì các cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự Việt Nam cần phải cấp cho họ giấy thông hành hoặc giấy phép cho họ đi đường và nhập cảnh vào Việt Nam.
Bổ sung Điều ZYX (Giúp đỡ tham gia tố tụng ở nước ngoài) :
Các cơ quan chức năng Việt Nam cần tạo mọi dễ dãi cho các nạn nhân và nhân chứng tham gia các phiên xử về tội buôn người ở nước ngoài có liên quan đến họ. Trong mỗi giai đoạn tố tụng nạn nhân cần hiện diện trong phiên xử để có thể trình bày cho tòa nghe quan điểm, nhu cầu, quyền lợi và quan tâm của họ.