Thông tin từ Báo Người lao động online – ngày 11/11/2010.
Hàng chục lao động vay mượn, cầm cố đất lấy tiền đi làm việc ở Nga để rồi phải sống lang thang, chui nhủi…
Ngày 9-11, một số lao động đã lặn lội từ Thanh Hóa, Thái Bình ra Hà Nội để nhờ các cơ quan chức năng can thiệp. Trước đó, họ đã cầm cố tài sản, vay nợ ngân hàng nộp cho Công ty CP Phát triển quốc tế Việt Thắng (trụ sở chính tại Km 103 Nguyễn Bỉnh Khiêm – TP Hải Phòng) để đi xuất khẩu lao động ở Nga.
Các lao động và người nhà ngồi trước Cục Quản lý Lao động ngoài nước nhờ can thiệp
Bị bỏ rơi
Chị Vi Thị Phương (SN 1989, ngụ xã Bình Sơn, huyện Triệu Sơn – Thanh Hóa) cho biết tháng 3-2008, chi nhánh của Công ty CP Phát triển quốc tế Việt Thắng ở Thanh Hóa thông báo tuyển công nhân may và xây dựng tại Nga. Thấy mức lương hấp dẫn (từ 400 – 500 USD/tháng, chưa tính làm thêm giờ, tiền thưởng), chị đã đăng ký học nghề may tại công ty và nộp 46 triệu đồng để được sang Nga làm việc. Khi nhóm lao động của chị đến Nga thì được đưa về một xưởng may chỉ vỏn vẹn 5 chiếc máy may. Sau đó, họ bị chủ thu toàn bộ giấy tờ tùy thân và làm việc 3 tháng mà không được trả lương. Mỗi ngày, Phương và các bạn làm việc 12 giờ, cảnh sát đến phải chạy trốn. Cuộc sống lây lất cho đến khi Phương cầu cứu gia đình gửi tiền sang và mua vé máy bay về nước.
Một nhóm lao động khác do Công ty CP Phát triển quốc tế Việt Thắng đưa đi cũng không may mắn hơn. Theo anh Vũ Xuân Quý (ngụ khu Tân Tiến, thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương – Thái Bình), anh được đưa đi làm việc tại công trường của Công ty TNHH Delta ở Nga. Ăn ở tạm bợ, thiếu thốn, ngày làm 12 giờ và suốt 7 tháng không được trả lương. Trong những tháng ấy, các anh bị cảnh sát địa phương bắt nhốt vào container 4-5 lần.
Anh Lê Đình Kỷ (ngụ xã Bình Sơn, huyện Triệu Sơn – Thanh Hóa) cho biết gần 100 công nhân làm việc tại công trường đã gửi kiến nghị và nhờ Công ty CP Phát triển quốc tế Việt Thắng can thiệp. Ngày 10-4-2009, công ty cho người đại diện là ông Nguyễn Bình Thuận sang nhưng chưa giải quyết xong thì ông này bỏ về nước. Thấy công ty phủi tay, gần 100 lao động ngừng việc đòi quyền lợi bị chủ đẩy ra đường giữa đêm. Họ phải lang thang trong rừng để trốn cảnh sát và nhặt đồ cúng ở nghĩa trang ăn qua ngày. “Những người được gia đình gửi tiền sang mới về nước được, còn lại vẫn phải lang thang…” – anh Quý nói.
Nợ nần chồng chất
Về nước hơn 1 năm nay, các lao động đã chạy đôn chạy đáo gõ cửa Công ty CP Phát triển quốc tế Việt Thắng cũng như Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) với mong muốn được đền bù thiệt hại và hỗ trợ nhưng sự việc vẫn bị rơi vào im lặng.
Trước đó, ngày 18-9-2009, bà Nguyễn Thị Thúy Lai, Trưởng Phòng Thanh tra, Cục Quản lý Lao động ngoài nước, đã có công văn gửi Công ty CP Phát triển quốc tế Việt Thắng yêu cầu “nếu các điều kiện lương, sinh hoạt không bảo đảm theo hợp đồng đã ký thì tổ chức đưa người lao động về nước, đồng thời thanh lý hợp đồng theo quy định pháp luật” nhưng công ty này vẫn làm ngơ. Theo ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, cục sẽ yêu cầu công ty này báo cáo sự việc và đưa ra hướng giải quyết trong thời gian sớm nhất. Trong khi đó, người nhà của các lao động cho biết đã nhiều lần nộp đơn và trực tiếp đến Công ty CP Phát triển quốc tế Việt Thắng nhưng đều bị né tránh. Hiện nhiều gia đình đang phải nợ nần chồng chất.