CAMSA – ngày 31/7/2009.
Hiệp định thư về việc Phòng ngừa, Xoá bỏ và Trừng phạt Nạn Buôn người, đặc biệt đối với Phụ nữ và Trẻ em (còn gọi tắt là Hiệp định thư Palermo) đã đưa ra trong Điều 3 một định nghĩa đầy đủ về tội phạm buôn người.
Điều 3: Buôn người là hành vi tuyển mộ, chuyên chở, chuyển nhượng, chứa chấp và tiếp nhận con người cho mục đích bóc lột bằng cách hăm doạ hoặc sử dụng bạo lực hay bất cứ hình thức ép buộc nào khác; bằng cách bắt cóc, lường gạt, gian trá; bằng cách lạm dụng quyền lực hoặc lợi dụng sự yếu đuối hay lợi dụng việc đưa hoặc nhận tiền hoặc lợi ích để đạt được sự đồng ý của một người đang có quyền đối với một người khác. Ít nhất, hành vi bóc lột bao gồm sự lợi dụng hành vi mãi dâm của người khác hoặc các hình thức bóc lột tình dục khác, cũng như bao gồm lao động cưỡng bức hoặc dịch vụ cưỡng bức, việc giữ nô lệ hoặc những hành vi tương tự như hành vi giữ nô lệ, hành vi giữ nông nô hay hành vi lấy bộ phận cơ thể.
Hiệp định thư Palermo có mục đích:
(a) ngăn ngừa và chống lại nạn buôn người, đặc biệt chú ý đến thành phần phụ nữ và trẻ em;
(b) bảo vệ và giúp đỡ các nạn nhân của nạn buôn người qua việc tôn trọng hoàn toàn nhân quyền của họ; và
(c) khuyến khích sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên để đạt những mục đích nêu trên.
Hiệp định thư Palermo đã được Khoá họp 55 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua bằng Nghị quyết số A/RES/55/25 vào ngày 15/11/2000. Theo hiệp định thư này các quốc gia phải đưa ra các biện pháp để:
– truy nã và trừng phạt những kẻ buôn người quốc tế;
– thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia để chống lại nạn buôn người một cách hữu hiệu hơn;
– bảo vệ các nạn nhân của nạn buôn người và giúp đỡ họ trở về quốc gia của họ hay một quốc gia khác một cách an toàn;
– thông tin cho quần chúng về nạn buôn người và giúp quần chúng ý thức về những hậu quả tai hại đối với cả thủ phạm lẫn nạn nhân của nạn buôn người.
Mời Quý độc giả xem toàn văn Hiệp định thư đính kèm theo Công ước chống Tội phạm có Tổ chức xuyên Quốc gia trong đường link sau:
– Hiệp định thư về việc Phòng ngừa, Xoá bỏ và Trừng phạt Nạn Buôn Người
– Công ước chống Tội phạm có Tổ chức xuyên Quốc gia