Nạn buôn người đang hoành hành tại Việt Nam và trên khắp các quốc gia. Tình trạng này diễn ra ngày càng chuyên nghiệp khi các tổ chức buôn người xuyên quốc gia lớn mạnh không ngừng và các hành vi phạm tội tinh vi, hiện đại hơn. Tại Việt Nam, cơ sở pháp lý để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân buôn người bị đánh giá là thiếu và yếu. Một trong những hạn chế là Việt Nam chưa có Luật phòng chống buôn người và nạn nhân bị buôn bán cũng chỉ giới hạn ở phụ nữ và trẻ em.
Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009, Việt Nam chỉ có 2 điều khoản xử lý hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em, được ghi nhận tại Điều 119 – Tội mua bán người và Điều 120 – Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em.
“Điều 119. Tội mua bán người
1. Người nào mua bán người thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến hai mươi năm:
a) Vì mục đích mại dâm;
b) Có tổ chức;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
đ) Để đưa ra nước ngoài;
e) Đối với nhiều người;
g) Phạm tội nhiều lần.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.”
Điều 120. Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em
1. Người nào mua bán,đánh tráohoặc chiếmđoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba nămđến mười năm.
“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Vì động cơ đê hèn;
d) Đối với nhiều trẻ em;
đ) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
e) Để đưa ra nước ngoài;
g) Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo;
h) Để sử dụng vào mục đích mại dâm;
i) Tái phạm nguy hiểm;
k) Gây hậu quả nghiêm trọng.”
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt triền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm hoặc phạt quản chế từ một năm đến năm năm.