Thông tin từ website Vietnamnet.vn – ngày 17/10/2010.
Theo báo cáo của Bộ LĐTB – XH cho biết, trong số 161 doanh nghiệp XKLĐ chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả cao, 50% doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trung bình, còn lại các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả. Con số báo cáo này cho thấy hoạt động XKLĐ ở nước ta đang có những bất cập chưa được khắc phục.
Vi phạm nhiều, xử lý chẳng bao nhiêu
Mặc dù theo báo cáo của Bộ Lao động chỉ có 30% doanh nghiệp XKLĐ hoạt động có hiệu quả, còn lại các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả trung bình và kém hiệu quả nhưng theo Bộ LĐTB – XH tính đến tháng 6 năm 2010 chỉ có 4 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép (Trong đó 1 doanh nghiệp không đáp ứng quy định của pháp luật, 1 doanh nghiệp có nhiều vi phạm và 2 doanh nghiệp chấm dứt hoạt động do kém hiệu quả). Điều này đặt ra câu hỏi phải chăng việc xử phạt doanh nghiệp XKLĐ vi phạm chưa nghiêm nên vẫn còn nhiều doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả?.
Trả lời về vấn đề này trong buổi làm việc với Uỷ ban thường vụ Quốc hội hồi đầu tháng 9 vừa qua, ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ (Bộ LĐTBXH) giải thích: “Nhiều doanh nghiệp XKLĐ hoạt động có hiệu quả trung bình và kém hiệu quả nhưng không thể thu hồi giấy phép của họ được vì theo luật thì chưa thể thu hồi giấy phép. Cụ thể, có doanh nghiệp một năm chỉ đưa được 100 lao động đi XKLĐ nhưng doanh nghiệp lại không vi phạm gì cả”.
Giải thích của ông Trào đã bị ông Nguyễn Như Lợi phản bác, khi ông Lợi đưa ra dẫn chứng thời gian gần đây tình trạng lừa đảo XKLĐ vẫn diễn ra và có chiều hướng nghiêm trọng, trong đó có cả trường hợp giám đốc chi nhánh của công ty XKLĐ ngang nhiên ký hợp đồng với người lao động là sai luật nhưng chưa bị xử lý.
Báo cáo của ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam mới đây cũng đưa ra danh sách không ít doanh nghiệp XKLĐ vi phạm. Cụ thể như công ty Incomex chiếm dụng của lao động 313 triệu đồng, công ty Hantech 20 triệu đồng, công ty Quinimex 18 triệu đồng, Tranxeco 15 triệu đồng, 19 công ty tuyển dụng lao động tại Thanh Hoá đã được giải ngân 9,495 tỉ đồng cho 313 lao động nhưng lao động vẫn chưa xuất cảnh được với thời gian chờ đợi ít nhất là hai tháng…
Có không ít sai phạm nếu chiếu theo luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì phải bị xử phạt nặng, thậm chí có thể bị thu hồi giấy phép nhưng không hiểu họ vẫn bình chân như vại, chưa bị các cơ quan chức năng xử lý?.
Tình trạng doanh nghiệp vi phạm các quy định về pháp luật xuất khẩu lao động xảy ra nguyên nhân còn xuất phát từ sự thiếu sâu sát trong quản lý của các cơ quan chức năng.
Nhiều doanh nghiệp XKLĐ có năng lực yếu
Thực tế cho thấy trong tổng số hơn 167 doanh nghiệp XKLĐ trên cả nước hiện nay có rất ít doanh nghiệp có năng lực hoạt động có hiệu quả. Chính ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội đã có ý kiến trong buổi họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội: Hiện nay ở nước ta có quá nhiều doanh nghiệp XKLĐ trong khi năng lực của phần đông doanh nghiệp lại kém.
Trong năm qua, rất nhiều lao động Việt Nam về nước trước hạn.
Ông Thuận còn đặt ra câu hỏi: “Tại sao không tập trung vào những doanh nghiệp mạnh đủ năng lực? Có những doanh nghiệp một năm không đưa được 100 lao động đi mà không bị rút giấy phép, vậy thái độ của cơ quan quản lý với các doanh nghiệp thế nào?”
Những vi phạm lừa đảo XKLĐ trong thời gian qua cho thấy thường xảy ra ở các doanh nghiệp XKLĐ không thật sự có năng lực, hoặc năng lực kém. Nhưng thực tế khi doanh nghiệp XKLĐ vi phạm lại chưa được cơ quan quản lý xử lý một cách nghiêm minh mà chủ yếu chỉ yêu cầu doanh nghiệp sai phạm sửa sai rồi cho qua, điều này khiến cho các doanh nghiệp sai phạm dễ “lờn thuốc” và tái phạm trở lại.
Nhìn nhận từ góc độ năng lực của doanh nghiệp XKLĐ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội cũng cho biết, việc người lao động bị lừa đảo XKLĐ ngày càng nhiều còn xuất phát từ nguyên nhân cấp giấy phép cho các tập đoàn và tổng công ty.
“Hầu hết khi cấp giấy phép hoạt động XKLĐ là cấp phép cho các tập đoàn, các tổng công ty đến khi chuyển xuống làm việc thì tập đoàn hoặc tổng công ty lại giao cho một giám đốc độc lập. Chính vì lẽ này nên khi các doanh nghiệp XKLĐ ra đời rồi thành lập các chi nhánh, mà các chi nhánh lại kém xa về năng lực nên có nhiều sai phạm như chuyển nhượng lao động của các chi nhánh giữa công ty này với công ty khác, thậm chí là mượn giấy phép…”, ông Lợi cho biết.
Năng lực của các doanh nghiệp XKLĐ yếu được bà Trương Thị Mai, chủ nhiệm uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, khẳng định qua báo cáo giám sát của Quốc hội về hoạt động này. Theo bà Mai, quy mô hoạt động của phần đông doanh nghiệp còn nhỏ. Trong tổng số 167 doanh nghiệp được cấp phép chỉ có 17 doanh nghiệp mỗi năm đưa được từ 1.000 lao động ra nước ngoài làm việc trở lên, 29 doanh nghiệp đưa được từ 500 – 1.000 lao động ra nước ngoài làm việc, 50 doanh nghiệp đưa đi được từ 300 – 500 lao động và 52 doanh nghiệp đưa đi được dưới 100 lao động mỗi năm.
Theo bà Trương Thị Mai, cơ quan quản lý hiện thời chưa quản lý, kiểm soát và đánh giá được hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Một công cụ để kiểm soát việc nghiêm túc thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp là đăng ký chấp thuận hợp đồng với cơ quan quản lý mà thực chất là thẩm định cấp phép nhưng việc này khó tránh khỏi hình thức