Thông tin từ Website: ucanews.com – ngày 22/9/2010.
Malaysia đang trở thành điểm quá cảnh chính cũng như đích đến cho các hoạt động buôn bán người toàn cầu, theo một hội thảo gần đây.
Luật Chống Buôn bán Người của quốc gia này chỉ mới có hiệu lực hồi tháng 2-2008, và nhiều khuyết điểm còn tồn tại trong việc thi hành đạo luật này, theo Dusuki Mokhtar, công tố viên tại Phòng Chưởng lý Malaysia.
Ông phát biểu với 50 nhân viên Giáo hội và tổ chức phi chính phủ tại hội thảo hôm 18-9 ở Penang. Văn phòng Phát triển Con người Penang (POHD) do giáo phận quản lý đồng tổ chức sự kiện với các tổ chức phi chính phủ cấp quốc gia và quốc tế.
Mặc dù Malaysia đã xử 160 vụ buôn bán người và kết án 16 người từ năm 2008, các viên chức hành pháp thiếu kỹ năng và những người bị nạn không sẵn lòng hợp tác là những trở ngại cho việc thi hành đạo luật cách đầy đủ, ông nói.
Ông Dusuki cho biết chẳng bao lâu nữa đạo luật này sẽ được sửa đổi và Bộ Lao động sẽ cùng cảnh sát, giới chức nhập cư và hải quan thực hiện đạo luật.
Ông lưu ý hầu hết các vụ buôn bán người liên quan đến người lao động di cư bị cưỡng bức lao động.
Joachim Francis Xavier, nhân viên POHD, nói thêm các cơ quan tuyển dụng lao động có thể hủy bỏ giấy phép làm việc của người lao động bị bán bất cứ lúc nào, buộc họ phải rời khỏi đất nước ngay. Điều này gây trở ngại cho việc kết án những kẻ buôn bán người.
Các tham dự viên hội thảo còn cảnh báo số nạn nhân bị buôn bán thì nhiều trong khi chỗ nương tựa dành cho họ lại ít.
Hội thảo đạt được mục đích nâng cao nhận thức về tình trạng buôn bán người ở Malaysia, theo Xavier.
Vai trò của POHD là trao quyền cho từng người Công giáo và các giáo xứ cũng như làm việc với các tổ chức phi chính phủ chống vấn nạn này trong nước, ông nói thêm.
Các tổ chức khác tham gia tổ chức hội thảo gồm UNHCR, Tenaganita và Liên minh bài trừ nô lệ mới ở Á Châu (CAMSA).