CAMSA – ngày 25/9/2010.
Ngày 18-9-2010, tại Penang, Malaysia đã diễn ra hội thảo chống buôn người do liên minh bài trừ nô lệ mới ở Á Châu (CAMSA) và mạng lưới các tổ chức phi chính phủ địa phương JUMP đồng tổ chức. Hội thảo đã diễn ra hết sức thành công, thu hút sự quan tâm chú ý của tất cả các thành viên tham dự với nhiều thông tin bổ ích và phong phú.
Thành phần tham dự lên tới 60 người, trong số đó có cả những luật sư, giáo viên, nghiên cứu sinh, chuyên gia, và đặc biệt có sự tham gia của các quan chức Lãnh Sự quán Thái Lan và Đại Sứ Quán Nê-pan.
Ông Greg – Đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Malaysia đang thuyết trình – Ảnh: CAMSA
Những vấn đề chính được đề cập đến trong hội thảo là các hình thức buôn người, quan điểm quốc tế về vấn đề chống buôn người. Ông Greg, quan chức của Đại Sứ Quán Mỹ tại Kuala Lumpur là diễn giả cho hai chủ đề trên. Trong bài thuyết trình, ông cho biết có nhiều hình thức nô lệ thời hiện đại như: nô lệ tình dục, nô lệ trong các nhà máy, nô lệ trong các hộ gia đình, trẻ em đi lính, trẻ em đánh cá … Những con số đáng báo động được ông nêu ra như: cứ 9 nạn nhân buôn người thì có 1 nạn nhạn rơi vào tình trạng buôn bán tình dục; trên thế giới có 800,000 người bị đưa qua biên giới mỗi năm, 80% trong số đó nạn nhân là phụ nữ và các cô gái trẻ, tới 50% là trẻ em. Hầu như phụ nữ bị buôn bán nhằm bóc lột tình dục. Cũng có hàng ngàn nạn nhân bị buôn bán ngay trong đất nước của họ. Ngoài ra ông cũng đề cập đến sự ảnh hưởng của nạn buôn người, sự nỗ lực của chính phủ Mỹ trong việc bài trừ buôn người, tiếp cận trung tâm dành cho nạn nhân, hợp tác với các cơ quan trong nước. Ngoài ra ông cũng đề cập tới báo cáo chống buôn người của Chính phủ Mỹ, việc xếp hạng của các nước trên thế giới. Malaysia bị xếp vào hạng 3 năm 2008, năm 2009 đã có tiến triển rõ rệt nhưng chưa đủ nên hiện tại đang ở hạng 2 trong danh sách theo dõi.
Tiếp theo đó là bài thuyết trình của đại diện cơ quan thi hành pháp luật của Malaysia do công tố viên Mohamad Dusukiv trình bày về vấn đề chống buôn người và quá trình khởi tố theo pháp luật Malaysia. Ông cho biết danh sách những cơ quan thi hành luật, chức năng và quyền hạn của họ. Tiến trình điều tra và việc quản lý hồ sơ các nạn nhân cũng được đề cập tới. Trong bài thuyết trình, Ông Mohamad cũng đề cập đến những khó khăn thách thức mà các cơ quan thi hành luật gặp phải, vì thời gian điều tra chỉ được kéo dài trong 2 tuần nên việc xác định nạn nhân hay thủ phạm là việc rất khó. Ngoài ra, đối với chính những quan chức điều tra cũng thiếu kinh nghiệm và kỹ năng. Khó khăn nữa là nhiều khi vì sợ hãi nên nạn nhân cũng không hợp tác với các quan chức trong quá trình điều tra. Phần lớn nạn nhân là người nước ngoài nên việc chuyển ngữ cũng là một cản trở lớn.
Ông Mohamad cũng cho biết việc chính phủ Malaysia vừa mới điều chỉnh luật chống buôn người, Cục Lao Động là thành viên mới được liệt kê trong danh sách các cơ quan thi hành luật chống buôn người lý do là vấn đề buôn bán lao động hiện đang nổi cộm. Ông cho biết từ khi luật mới được thông qua, đã có 6 trường hợp buôn bán lao động bị buộc tội. Những nạn nhân của việc buôn bán lao động cũng phải trải qua một tiến trình thủ tục giống như nạn nhân của việc buôn bán tình dục. Sau khi thu thập đủ chứng cớ, nạn nhân được giao cho cục xuất nhập cảnh để lo thủ tục hồi hương. Ông cũng cho biết chính phủ Malaysia xem việc xoá bỏ nạn buôn người một cách nghiệm túc, ông mong có sự hợp tác nhiều hơn từ phía các tỏ chức phi chính phủ.
Cuối hội thảo, nhân viên của CAMSA thuyết trình về những hoạt động tại địa phương. Mục tiêu, chiến lược, những hoạt động thực tế của CAMSA tại Malaysia được trình bày. Cuối cùng, CAMSA kêu gọi sự hợp tác và tình nguyện của các tổ chức, cá nhân để xoá bỏ nạn buôn người và nô lệ thời hiện đại.
Với số lượng thành viên tham gia nhiều hơn dự kiến, các vấn đề nêu ra trong hội thảo nhận được sự quan tâm, chia sẻ rất sôi nổi của các thành viên tham dự, hội thảo được đánh giá đã thành công rất tốt đẹp. Theo lượng giá, các tham dự viên cho biết nội dung của hội thảo đáp ứng nhưng mong chờ của họ. Có số ít muốn hiểu sâu về khía cạnh tư vấn cho nạn nhân. Một số người muốn tìm hiểu sâu về nạn nhân buôn bán tình dục.
Hội thảo được tài trợ bởi CAMSA và Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn hứa hẹn sẽ tiếp tục được tổ chức tại các địa phương và quốc gia khác trong thời gian sắp tới.