CAMSA – ngày 19/9/2010.
Tin liên quan: “Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước – thu nhiều chi ít”
LTS: Sau khi đăng tải bài “Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước – thu nhiều chi ít” từ Báo Người lao động online ngày 18/9/2010 với nội dung là cuộc phỏng vấn Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh về thực tế hoạt động của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, CAMSA nhận thấy có khá nhiều vấn đề cần được đưa ra bàn thảo, xin được chia sẻ tới Quý độc giả.
Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước tiền thân là Quỹ Hỗ trợ xuất khẩu lao động được thành lập từ năm 2004 có nguồn thu rất đa dạng và mục tiêu vì người lao động và phát triển lãnh vực xuất khẩu lao động của quốc gia. Sau 6 năm, Quỹ đã có một nguồn thu rất lớn – 114 tỷ đồng nhưng thực tế chi hỗ trợ chỉ chiếm khoảng 5 tỷ đồng, trong đó phần lớn dành cho kiện toàn bộ máy tổ chức, mục tiêu chủ yếu chưa thực hiện được.
Câu hỏi đặt ra tại sao Quỹ hỗ trợ việc làm thu nhiều nhưng chi ít như vậy. Câu hỏi này được đặt ra trong nhiều cuộc hội thảo, nhiều cuộc họp từ cấp Chính phủ, Quốc hội. Nguyên nhân cũ kỹ được đưa ra do văn bản điều chỉnh chưa có, chưa cụ thể nên Quỹ không có cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu của mình. Liệu câu trả lời này có đủ để giải thích cho một thực tế quá thất vọng về hoạt động của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước nêu trên hay không???
Nói tới văn bản điều chỉnh Quỹ, từ năm 2007, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định 144 nhằm hướng dẫn tổ chức, quản lý hoạt động của Quỹ. Nội dung văn bản đề cập khá toàn diện các đối tượng được hưởng hỗ trợ từ Quỹ, quy trình cũng như thủ tục hưởng hỗ trợ. Như vậy, không thể nói Việt Nam không có văn bản điều chỉnh mục tiêu chi của Quỹ. Tuy nhiên, văn bản ban hành lại làm khó người thực thi khi quy định rất lập lờ về “các rủi ro khác”. Không một văn bản tiếp theo giải thích nội hàm từ “khác” bao gồm những rủi ro gì, không một cơ quan chủ quản hay vị lãnh đạo nào lên tiếng. Và cứ thế, Quỹ vẫn không đủ cơ sở pháp lý để giải quyết hỗ trợ cho các đối tượng người lao động gặp khó khăn. Thực tế vào cuối năm 2008, đầu 2009, sau cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, người lao động Việt Nam bị sa thải và trở về nước trước hạn rất nhiều. Rủi ro xảy ra với họ là khách quan, nhiều người trắng tay, nợ ngân hàng, thế chấp nhà cửa… Họ làm đơn xin hỗ trợ từ Quỹ nhưng tất cả đơn đều bị trả lại. Ban điều hành Quỹ trả lời rất tự nhiên: họ không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp vì Ban điều hành không có thẩm quyền quyết định họ có thuộc trường hợp “rủi ro khác” hay không?! Cần chờ văn bản hướng dẫn sẽ được ban hành trong tương lai!
Trở lại cuộc phỏng vấn Cục trưởng Cục quản lý lao động trong bài “Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước – Thu nhiều chi ít”, chúng ta thấy Cục trưởng nêu một nguyên nhân rất mới dẫn đến thực trạng hoạt động của Quỹ là do bộ máy tổ chức chưa ổn định, thiếu nhân sự dẫn đến mục tiêu chi hỗ trợ của Quỹ không hiệu quả. Quỹ ra đời được 6 năm, số tiền dành cho kiện toàn tổ chức là chủ yếu nhưng dù trải qua thời gian dài như vậy, bộ máy tổ chức vẫn chưa ổn định, vẫn thiếu nhân sự. Nguyên nhân này có mới hay chỉ là một cái cớ để che đi thực tế rằng các cơ quan chủ quản hoạt động thiếu hiệu quả, thiếu minh bạch.