Thông tin từ Báo Người lao động online – ngày 18/9/2010.
Quỹ chưa sử dụng hiệu quả, vẫn còn một số vướng mắc phải điều chỉnh, bổ sung. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Trưởng Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, đã nói như vậy
– Phóng viên: Ông giải thích thế nào về việc Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước có nguồn thu trên 114 tỉ đồng nhưng chỉ mới chi hỗ trợ 5 tỉ đồng?
– Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Đúng là vừa qua, việc sử dụng quỹ chưa phát huy hiệu quả. Bên cạnh những đối tượng được quy định cụ thể như thân nhân có lao động bị chết; người lao động (NLĐ) bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau phải về nước trước hạn… thì vẫn còn một số hoạt động khác chưa được hỗ trợ nhiều. Chẳng hạn như chi hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khai thác thị trường mới; chi đào tạo, học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi làm việc ở nước ngoài cho các đối tượng thuộc diện ưu tiên… Lý do cụ thể thì chúng tôi đã có báo cáo và sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra bàn bạc, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 34 đang diễn ra. Ở đây, có nguyên nhân do bộ máy tổ chức thực hiện của quỹ chưa ổn định, thiếu nhân sự, dẫn đến chưa thực hiện đầy đủ các hoạt động hỗ trợ theo quy định.
– Mục tiêu lớn nhất của quỹ là hỗ trợ NLĐ bị rủi ro. Thế nhưng đối tượng chính của quỹ – NLĐ bị rủi ro mất việc làm phải về nước trước hạn – lại không có trong quy định. Ông giải thích sao về điều này?
– Đây cũng là vướng mắc dẫn đến một bộ phận lớn NLĐ mất việc làm về nước trước hạn do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu trong hai năm 2008-2009 chưa được hỗ trợ. Việc này, đoàn giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đã đề cập. Sau cuộc họp này, Chính phủ sẽ có ý kiến chỉ đạo. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ có văn bản điều chỉnh, bổ sung đối tượng này vào diện “rủi ro khác” theo quy định của quỹ.
– Có ý kiến cho rằng thủ tục phiền hà, khó “xin” hỗ trợ nên thời gian qua, nhiều DN ngại làm thủ tục đề nghị hỗ trợ cho cả DN lẫn NLĐ bị rủi ro?
– Mọi trường hợp đề nghị hỗ trợ từ DN nếu đúng đối tượng, có hồ sơ đầy đủ, hợp lệ đều được giải quyết. Trách nhiệm của DN là hướng dẫn làm hồ sơ, hỗ trợ thủ tục để NLĐ được hưởng quyền lợi chính đáng. Còn việc DN nào không làm thủ tục đề nghị hỗ trợ có thể do suy nghĩ chủ quan vì mức chi hỗ trợ DN không cao (tối đa 30% chi phí vé máy bay, công tác phí cho cán bộ DN khai thác thị trường, giải quyết rủi ro cho NLĐ).
– Cả DN và NLĐ đều muốn biết kế hoạch sử dụng quỹ và những vướng mắc của việc sử dụng quỹ trong thời gian tới sẽ được tháo gỡ như thế nào?
– Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và có chỉ đạo từ Chính phủ, Ban Điều hành quỹ và Bộ LĐ-TB-XH sẽ trình phương án về quản lý, sử dụng quỹ; đề nghị bổ sung một số văn bản hướng dẫn thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập, quản lý và sử dụng quỹ. Chúng tôi cũng sẽ hoàn thiện bộ máy tổ chức, cơ chế quản lý, tháo gỡ những vướng mắc và bổ sung các quy định cho phù hợp thực tiễn. Bên cạnh việc xem xét nâng mức hỗ trợ, sẽ điều chỉnh, bổ sung để không bỏ sót đối tượng, nhất là đối tượng bị rủi ro mất việc làm phải về nước trước hạn.
Giải quyết thủ tục trong 15 ngày
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết để nhận được hỗ trợ của quỹ, NLĐ hoặc thân nhân, người được NLĐ ủy quyền thuộc đối tượng hỗ trợ cần làm đơn đề nghị hỗ trợ rủi ro có xác nhận của UBND cấp xã, phường gửi trực tiếp về quỹ tại địa chỉ 941B Lý Thái Tổ, Hà Nội hoặc thông qua DN, tổ chức đưa đi làm việc ở nước ngoài hoặc sở LĐ-TB-XH nơi đăng ký hợp đồng, kèm theo giấy chứng tử hoặc giấy xác nhận (đối với lao động bị chết), giấy xác nhận của cơ quan y tế nước sở tại hoặc cơ quan đại diện VN ở nước đó về việc không đủ sức khỏe để tiếp tục ở lại làm việc. Trong thời gian tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, hội đồng quản lý quỹ thực hiện chi hỗ trợ trực tiếp cho NLĐ hoặc thông qua hệ thống Ngân hàng NN-PTNT.