Thông tin từ Báo DatViet.vn – ngày 15/9/2010.
Hiệu quả kinh tế mà xuất khẩu lao động đem lại đã rõ, song chưa tương xứng với tiềm năng bởi những bất cập trong quản lý, chất lượng doanh nghiệp và trình độ tay nghề lao động còn hạn chế.
Tiếp tục phiên họp lần thứ 34, chiều qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát “Việc tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”, do Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành.
Xử lý vi phạm chưa cương quyết
Báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, XKLĐ vẫn còn rất nhiều hạn chế. Đối với người lao động, đa số có trình độ học vấn thấp và chưa được đào tạo nghề, sức khỏe hạn chế. Tình trạng lao động bỏ trốn, phá hợp đồng ra ngoài làm việc, nấu rượu lậu, đánh bạc, đánh nhau, trộm cắp… ở các mức độ khác nhau đã ảnh hưởng đến hình ảnh lao động Việt Nam. Bên cạnh đó, vấn đề người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu bị lừa đảo đã và đang trở thành vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội.
Công nhân làm thủ tục xuất cảnh đi XKLĐ tại sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội.
Ảnh: Như Ý
Về số lượng doanh nghiệp, tính đến nay, có 167 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, chỉ có 30% trong số này là hoạt động có hiệu quả, 20% doanh nghiệp kém hiệu quả. Quy mô các doanh nghiệp cũng rất nhỏ, chỉ có 17 doanh nghiệp tuyển dụng từ 1.000 lao động mỗi năm, tuyển dưới 100 lao động mỗi năm. Tính chuyên nghiệp trong tổ chức hoạt động của phần lớn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này còn thấp. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giành hợp đồng cung ứng lao động, gây thiệt hại cho người lao động vẫn xảy ra giữa các doanh nghiệp mà chưa có biện pháp xử lý hiệu quả.
Theo Bộ trưởng LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân, hiện ước tính có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Đa số người lao động có thu nhập tương đối ổn định, bình quân sau khi trừ chi phí sinh hoạt còn lại từ 3 – 4 triệu đồng một tháng (thị trường Malaysia); từ 7 đến 12 triệu đồng một tháng (Trung Đông, Đông Âu) và từ 15- 20 triệu đồng một tháng (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan). Hàng năm, lượng tiền lao động gửi về nước khoảng 2 tỷ USD.
Về công tác quản lý nhà nước, Bộ LĐ-TB-XH mới chỉ nắm bắt được số liệu về lao động đi từ các doanh nghiệp dịch vụ và giải quyết các sự cố xảy ra, còn những hình thức khác chỉ nắm sơ bộ. Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước có 114 tỷ đồng, song đến nay mới chỉ chi được 5 tỷ. Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm chưa thật cương quyết. Trên thực tế, chưa có doanh nghiệp nào bị thu hồi giấy phép, khi trong 12 tháng không đưa được lao động nào ra nước ngoài.
Rút giấy phép DN kém hiệu quả
Thảo luận nội dung dự thảo báo cáo giám sát, nhiều thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực XKLĐ cần được nhìn nhận, đánh giá đúng thực tế. Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K’so Phước, cần đánh là giá lại vấn đề XKLĐ có giải quyết được căn bản xóa đói giảm nghèo một cách bền vững hay không. Lao động khi về nước, liệu trình độ tay nghề có được thực sự nâng lên hay không. Ngoài ra, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội cần rà soát, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động để xem doanh nghiệp nào không đủ điều kiện thì kiên quyết rút giấy phép.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Quang Bình cũng cho rằng, không chỉ đối chiếu lại với các quy định của luật để rút giấy phép những doanh nghiệp không đủ điều kiện, mà cần phải nghiêm túc đánh giá lại hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Giải trình thêm về một số vấn đề liên quan, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tình trạng lao động bị các công ty, cá nhân lừa đảo xảy ra thời gian vừa qua là do công tác tuyên truyền, phổ biến chưa rõ ràng, người lao động thiếu thông tin nên đã bị “cò mồi” lợi dụng. Trong khi đó, một số doanh nghiệp có giấy phép nhưng thiếu trách nhiệm với người lao động nên dẫn đến tình trạng “đem con bỏ chợ”. “Chúng tôi đã kiểm tra và yêu cầu những doanh nghiệp này phải chấn chỉnh, nghiêm túc thực hiện đúng pháp luật và đúng cam kết với người lao động”, bà Ngân nói.