Thông tin từ Báo Người Lao động online – ngày 04/9/2010.
Trong tổng số 167 doanh nghiệp XKLĐ, 20% doanh nghiệp hoạt động kém, 50% hiệu quả trung bình, 30% hiệu quả cao
“Dư luận, người dân và Quốc hội (QH) đặc biệt quan tâm tới hiện tượng lừa đảo xuất khẩu lao động (XKLĐ) vẫn tiếp diễn. Việc này tập trung vào những doanh nghiệp (DN) không có chức năng XKLĐ nhưng thu tiền người dân rồi trốn biệt tăm hoặc DN có chức năng được cấp phép, thẩm định hợp đồng song người lao động (NLĐ) sang đến nơi thì không đúng với hợp đồng…”. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH, đặt vấn đề như vậy trong buổi làm việc với Bộ LĐ-TB-XH về “Việc tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về đưa NLĐ VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” tổ chức ngày 3-9 tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân báo cáo với đoàn giám sát của Quốc hội ngày 3-9
Doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu QH tỉnh Thái Nguyên, chỉ đích danh một DN thuộc Liên minh Hợp tác xã VN đã đẩy hàng chục lao động ở Thái Nguyên vào cảnh cơ cực ở Nga khi những hứa hẹn tươi đẹp trong hợp đồng khác hẳn với thực tế. Ông Hùng cho biết ngày 18-8 vừa qua, Đoàn Đại biểu QH tỉnh Thái Nguyên đã gửi công văn yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết khẩn cấp quyền lợi cho những lao động nói trên. Ngoài ra, ông Hùng cũng cho biết đã nắm thông tin chính xác về một DN thu của NLĐ cả trăm triệu đồng nhưng chỉ ghi trên hóa đơn 19,5 triệu đồng.
Nhiều đại biểu cũng đã đặt câu hỏi về chất lượng DN, đặc biệt là những DN trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty, lúc xin cấp phép thì người đại diện hội đủ điều kiện nhưng sau đó lại giao cho một người khác hoặc “đẻ” thêm nhiều chi nhánh để tuyển lao động. Chính từ nhiều kẽ hở trong quản lý mà 3 năm qua, đã có gần 2.000 đơn thư khiếu nại của NLĐ.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, thừa nhận trong tổng số 167 DN XKLĐ, theo đánh giá sơ bộ, chỉ có khoảng 30% DN hoạt động có hiệu quả cao, 50% DN hoạt động hiệu quả trung bình và 20% hoạt động kém hiệu quả do hạn chế về năng lực. Số lượng lao động đưa đi tuy có tăng hằng năm nhưng chất lượng chưa đáp ứng được các thị trường có thu nhập cao… Số lao động đi theo hợp đồng nhận thầu, trúng thầu và lao động công nghệ cao còn ít. Chất lượng nguồn lao động xuất khẩu vẫn còn thấp. Ở một số thị trường đã xảy ra tình trạng lao động vô kỷ luật, đình công trái luật, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh lao động VN và đến việc mở rộng thị trường XKLĐ.
Còn quá nhiều bất cập
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH, cho biết qua giám sát trực tiếp tại 10 tỉnh và báo cáo của 60 tỉnh, TP trong cả nước, kết quả cho thấy những vấn đề nổi cộm của hoạt động XKLĐ là hiện tượng lừa đảo, năng lực của DN, chất lượng hợp đồng cung ứng lao động, hạn chế trong việc bảo vệ quyền lợi của NLĐ ở nước ngoài… 137 vụ việc liên quan đến lừa đảo XKLĐ được điều tra, xử lý; khởi tố 186 bị can, xử lý hành chính 118 vụ với 133 đối tượng vi phạm trong những năm qua đủ để thấy các đối tượng lừa đảo vẫn tìm được nhiều kẽ hở trong quản lý để chiếm đoạt tiền của NLĐ.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhìn nhận công tác chỉ đạo, triển khai đối với thị trường vẫn còn bất cập; việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong nước, với cơ quan đại diện của VN tại nước ngoài khi xử lý những phát sinh của thị trường còn chưa kịp thời. Mặt khác, chưa có nhiều DN XKLĐ thực sự mạnh. Phần lớn DN quy mô nhỏ, ít đầu tư vốn và nguồn nhân lực nên hoạt động chưa hiệu quả. Một số khác không chú trọng công tác quản lý lao động làm việc ở nước ngoài, chậm phát hiện và xử lý các vấn đề phát sinh đối với NLĐ; có trường hợp để kéo dài, gây hậu quả xấu.
Theo bà Ngân, công tác quản lý hoạt động tuyển chọn lao động tại một số địa phương chưa chặt chẽ, vẫn còn hiện tượng các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đã lừa đảo, thu tiền bất chính của NLĐ.
Thu nhiều, chi ít
Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập từ tháng 8-2007 với mục đích phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước, nâng cao chất lượng nguồn lao động, hỗ trợ giải quyết rủi ro cho NLĐ và DN. Nguồn quỹ được thu từ các DN và NLĐ cùng các khoản khác chuyển sang đã lên tới trên 114 tỉ đồng nhưng mới chỉ chi được hơn 5 tỉ đồng, bao gồm hỗ trợ trực tiếp cho NLĐ và thân nhân trên 600 trường hợp gặp rủi ro phải về nước, hơn 120 thân nhân của lao động đã chết trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
Trong khi đó, hàng loạt DN và NLĐ chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc suy thoái kinh tế năm 2008, 2009 cũng đã không nhận được sự hỗ trợ nào. Đoàn giám sát yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH làm rõ trách nhiệm trong việc vận hành quỹ, làm rõ nguyên nhân những vướng mắc là do không có cơ chế vận hành hay vận hành không được?