Thông tin từ Báo VnExpress – ngày 27/8/2010.
Trâm còn nhớ ngày mới sang Hàn Quốc đúng vào lúc mùa đông lạnh thấu xương. Trong ba tháng đầu thử việc cô phải bưng bê đất cho các nông trại, sau đó mới được sắp xếp công việc hái rau.
Cô gái chỉ mới ngoài 20 này lớn lên trong gia đình nghèo ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Trâm sớm nghỉ học, bước vào đời mưu sinh. Thấy các anh chị trong xóm xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc mỗi lần gửi tiền về nhà 5 đến 10 triệu đồng, cô gái trẻ nhen nhóm cơ hội đổi đời. “Cuộc sống ở quê cơ cực quá, nghe lời mách bảo của các anh, chị đi trước, em rủ bạn bè quanh xóm lên Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh học tiếng Hàn, rồi đăng ký xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Mới đó mà đã sang đây lao động hơn 2 năm rồi”, Trâm kể.
Ngày mới sang đất nước kim chi đúng vào mùa đông, chịu cái lạnh đến âm 10oC, cô gái bảo “không bao giờ quên nỗi khổ khi ấy”. Bởi Việt Nam có xứ sở nhiệt đới, lại ở miền Trung Trung bộ nên nhiệt độ trung bình năm khoảng 23oC, cái lạnh xứ Hàn đúng là cắt da cắt thịt. Trong ba tháng đầu thử việc, cô phải bưng đất cho các nông trại, sau đó mới được sắp xếp công việc hái rau. Do chưa quen thời tiết buốt giá nên Trâm cặm cụi làm lụng được một lát lại tất tả xin phép người quản lý chạy vào lò lửa để sưởi ấm. Mỗi ngày làm việc ngoài trời bắt đầu từ 7h sáng, trưa được ăn trưa, nghỉ ngơi một giờ đồng hồ rồi làm việc đến 18h chiều.
“Đói và rét là nỗi ám ảnh lớn nhất của em trong những ngày tháng đầu tiên đặt chân trên đất Hàn. Nhờ siêng năng, cần mẫn suốt 2 năm qua, công ty đã ưu ái chuyển em sang bộ phận đóng gói sản phẩm rau, thu nhập cũng tăng lên đáng kể có tiền gửi đều đặn về cho gia đình. Mức lương hiện nay của em khoảng 950.000 Won (tương đương 13 triệu đồng)”, Trâm bộc bạch.
Trần Thị Trâm (24 tuổi) và Đỗ Phông (28 tuổi), hai lao động phổ thông từ Hàn Quốc vừa trở về thăm quê ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: Trí Tín
Hầu hết lao động phổ thông Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc chủ yếu là làm nông nghiệp và công nhân xây dựng, lắp ráp tại các công trường, nhà máy. Sau giờ làm, tối ai cũng mệt mỏi về khu nhà trọ để nghỉ ngơi, mong được ngủ thật nhiều để ngày hôm sau còn có sức làm tiếp.
Nguyễn Thị Hiền, một cô gái trẻ khác bạn của Trâm, cho biết: “Vui nhất là dịp cuối tháng nhận lương, anh em đồng hương góp tiền, chung tay nấu bữa ăn, trò chuyện với nhau cho vơi đi nỗi nhớ nhà. Hàng năm vào mỗi dịp lễ, tết thì Hội đồng hương Việt Nam ở Hàn Quốc mới có dịp gặp mặt, giao lưu một lần”.
Theo nhiều lao động phổ thông Việt Nam, mức thu nhập trung bình mỗi tháng của công nhân Việt tại Hàn Quốc khoảng 13 đến 15 triệu đồng là tương đối ổn định. Họ mong muốn khi hết hợp đồng làm động trong thời hạn từ 3 đến 5 năm tại Hàn Quốc, có một ít vốn liếng, họ sẽ trở về Việt Nam làm ăn, sinh sống, gần gũi với gia đình.
Đỗ Phông, người xã Bình Châu, sang Hàn Quốc làm nghề mộc ở một công ty xây dựng. “Nhớ vợ con nhiều lắm, nhiều lúc đêm về nước mắt chảy ngược vào trong. Tôi cố kìm nén, thỉnh thoảng mới gọi điện thoại về thăm hỏi gia đình, bền chí làm ăn dành dụm vốn liếng để vài năm nữa khi hết hợp đồng trở về quê làm ăn, sinh sống đoàn tụ cùng vợ con, bù lại những năm sống xa cách”, Phông trần tình.
Không phải thanh niên nào sang Hàn Quốc làm việc cũng gặp may mắn. Một số người vừa mới qua do không thích nghi được thời tiết thường xuyên bị ốm đau hoặc rủi ro bỏ mạng do tai nạn lao động bất ngờ bỏ lại vợ trẻ, con thơ nơi quê nhà. Như trường hợp của Trần Quang Khâm mới đây là một ví dụ. Khâm tử nạn khi đang thi công hầm cao tốc cho Công ty xây dựng Sepchoen ở thành phố Samcheok, tỉnh KangWon. Chàng trai ra đi khi chỉ mới 27 tuổi, để lại một vợ và con thơ. Đơn vị sử dụng lao động đã bồi thường cho gia đình người xấu số 99.000 USD (khoảng 1,6 tỷ đồng), song khó thể bù đắp được nỗi đau mất mát một người chồng, người cha, người con trong gia đình.
Điều kiện lao động khắc nghiệt là vậy, nhưng nhiều thanh niên trẻ vẫn mong có cơ hội được đi lao động xuất khẩu ở Hàn Quốc để đổi đời, kiếm chút vốn liếng. Từ đầu năm đến nay, nhiều thanh niên làng chài ở Quảng Ngãi đã đổ xô đăng ký đi lao động xuất khẩu tại Hàn Quốc. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cho biết: “Chưa bao giờ, thanh niên trong xã chúng tôi đăng ký đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc nhiều như năm nay. Chỉ vài tháng qua, xã đã có khoảng 70 thanh niên đăng ký tại Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh sang lao động tại Hàn Quốc, tăng gấp đôi so với năm ngoái”.
Ông Hùng lý giải, sức hấp dẫn thanh niên địa phương đi Hàn Quốc chính ở mức lương trả cho người lao động phổ thông tương đối cao; khi gặp rủi ro, tai nạn lao động, các công ty sử dụng lao động tại Hàn Quốc hỗ trợ mức bảo hiểm khá cao. Trong khi đó, nhiều năm trước thanh niên của xứ chài nghèo này chỉ hành nghề đánh bắt cá trên biển là chủ yếu, mỗi lần xã thông báo đăng ký xuất khẩu lao động là họ e ngại từ chối ngay.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho biết, số lượng lao động được làm hồ sơ đăng ký dự tuyển gửi sang Hàn Quốc mà Bộ Lao động Hàn Quốc phân bổ cho Việt Nam trong năm 2010 là 12.500 người. Trong đó, có 8.000 chỉ tiêu trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, 2.000 chỉ tiêu xây dựng, 2.500 trong nông nghiệp và thủy sản.