CAMSA – ngày 26/8/2010.
Ở làng quê hẻo lánh toàn đồi núi, quanh năm ăn măng khiếp một thanh niên trường thành như Lăng (đã dấu tên thật) ngày đêm chán nản. Một lần được xuống thủ đô, phố xá đông người tấp nập khiến anh suy tư liên miên. Anh tự nhủ lòng phải đổi đời bằng mọi cách, không thể cam chịu cuộc sống nghèo hèn đang có mãi được.
Đang làm trên nương, tiếng đài phát thanh của xã thông báo tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài làm anh như tỉnh giấc. Anh bật cười thành tiếng, thầm nhủ trong lòng mình đã tìm ra cách thoát nghèo. Vách cuốc về nhà, anh lao vào tìm vợ để nói ra những ý tưởng lớn lao. Vợ anh ngồi yên lặng nghe anh vẽ chiếc bánh ngọt ngào xuất khẩu lao động, trong lòng hoan hỉ niềm vui lây sang từ chồng. Giọng anh chưa hết phấn khích: “Anh sẽ đi ba năm, người ta bảo chỉ mất vài chục triệu đồng. Nhưng mỗi năm chăm chỉ làm lụng, để dành ra cũng được cả trăm triệu, 3 năm rồi về, vợ chồng mình có lưng vốn trong tay, lúc đó làm gì mà không được”.
Cả nhà nội, bên ngoại đều ủng hộ nhiệt tình ý muốn của anh. Mệ anh còn cười mủm mỉm khi anh nói ra nước ngoài làm việc sướng lắm. Bà gục gặc đầu, thế là mình sắp yên tâm nhắm mắt rồi, đứa con trai duy nhất quanh năm nghèo đói, nheo nhóc sắp giàu!
Ngày người của công ty xuất khẩu lao động về làng kêu gọi thanh niên đăng ký đi nước ngoài, anh phấn khởi cùng gần chục thanh niên khác ra UBND xã gặp gỡ. Bác chủ tịch xã ăn mặc bảnh bao hơn mọi ngày đang trao đổi rất chăm chú với mấy người lạ, lúc sau anh biết đó là người của nhà nước – bác chủ tịch giải thích như vậy. Quê anh thì vẫn gọi những người làm như vậy đều là người có chức, có quyền, là người của nhà nước.
Mấy anh chị giới thiệu tên và công ty, toàn là tên tiếng anh, anh nghe không hiểu nhưng đầu vẫn gật gù ra vẻ hiểu lắm, mấy thanh niên khác và bác chủ tịch xã cũng vậy. Họ nói rất nhiều, giống như lúc anh vẽ cho vợ xem chiếc bánh xuất khẩu lao động, nhưng lúc này nó rõ ràng hơn và có vẻ to hơn, khiến miệng anh cười rộng hết cỡ.
Thủ tục làm rất nhanh gọn, anh ký các giấy tờ vay tiền mà chẳng thèm đọc nội dung. Anh tin tưởng tuyệt đối người của nhà nước, bác chủ tịch xã chưa bao giờ nói sai cả. Rồi anh chờ đợi trong sốt sắng. Đêm nào anh cũng mơ, lúc thì bay lơ lửng trên những đám mây, lúc lại lạc vào những con đường rất lạ và đông người qua lại, màu sắc sặc sỡ, vui tươi. Mỗi giấc mơ đều được anh kể lại cho vợ và mệ nghe vào sáng hôm sau. Họ bảo anh rằng đó là điềm tốt, là mơ ước của anh sắp thành hiện thực. Mệ anh đứng dậy bảo anh đốt hương trên ban thờ để bà khấn.
Sau 3 tháng đợi chờ mà anh ngỡ dài như 3 năm, bác chủ tịch xã đến nhà anh và thông báo anh đã có giấy báo đi làm việc ở nước ngoài, anh phải chuẩn bị thật nhanh để mai xuống Hà Nội bay cho kịp. Niềm vui vỡ òa trong anh, anh chạy thật nhanh ra nương gọi vợ về, bảo vợ đi chợ mua con gà về cúng, mời bà con đến chơi để mai anh còn lên đường. Tối hôm đó thật vui, không riêng gì nhà anh, ở các nhà có con, cháu mai đi lao động nước ngoài như anh đều sáng đèn, tiếng cười nói, chúc mừng rôm rả. Người già thì gật gù mừng cho con cháu, hàng xóm chúc tụng như đám cưới. Họ kháo nhau rằng đi nước ngoài sướng lắm, làm ít mà vẫn được nhận nhiều tiền, tha hồ mà thích.
(còn tiếp).