Báo Người lao động online – ngày 21/8/2010.
Hoạt động xuất khẩu lao động có thể bị bọn tội phạm lợi dụng để thực hiện hành vi mua bán người
“Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mua bán người và tội phạm mua bán người gia tăng xuất phát từ tình trạng thiếu việc làm trong đội ngũ thanh niên trẻ – người đến tuổi lao động cần việc làm. Do vậy, trong lĩnh vực giải quyết việc làm bằng cách đưa người VN đi làm việc ở nước ngoài nếu không có giải pháp ngăn chặn, có thể bị bọn tội phạm lợi dụng để thực hiện hành vi mua bán người”. Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nhận định như vậy tại một hội nghị về xuất khẩu lao động (XKLĐ) mới đây.
Thiếu việc làm, dễ phát sinh tội phạm
Luật Phòng chống mua bán người sẽ được Quốc hội thảo luận cho ý kiến vào kỳ họp tới. Hiện Bộ Tư pháp đang phối hợp xây dựng và lấy ý kiến cho dự luật này. Trước đó, vào tháng 12-2009, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức một cuộc khảo sát về nội dung này tại tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.
Kết quả cho thấy hằng năm ở nước ta có hàng triệu người trong độ tuổi lao động đang tìm mọi cách để tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho bọn tội phạm mua bán người lợi dụng, dùng các thủ đoạn tuyển mộ, hứa hẹn tìm việc có thu nhập cao rồi tìm cách đưa ra nước ngoài bán. Đáng chú ý là thời gian gần đây, tội phạm mua bán người không chỉ nhắm vào đối tượng phụ nữ và trẻ em mà còn nhằm vào nam giới. Nạn nhân chủ yếu bị bán cho các chủ lò gạch, lò khai thác quặng ở Trung Quốc.
Người lao động được các cơ quan có trách nhiệm tư vấn cẩn thận sẽ tránh được rủi ro.
Trong ảnh: Người lao động tham gia chương trình tư vấn Ngày hội Việc làm Malaysia do Báo NLĐ tổ chức. Ảnh: HUỲNH NGA
Một báo cáo của Chính phủ cũng đưa ra số liệu đáng chú ý: Giai đoạn 2005-2009, cả nước xảy ra 1.586 vụ mua bán người có liên quan đến giới thiệu việc làm (tăng 1.090 vụ so với 5 năm trước) với 2.888 đối tượng tham gia (tăng 2.117 đối tượng), lừa bán 4.008 nạn nhân (tăng 2.935 nạn nhân). Trong số này, trên 60% vụ bán người sang Trung Quốc, 11% vụ bán sang Campuchia; số còn lại sang Lào…
Cần cân nhắc
Vấn đề đang gây nhiều tranh cãi khi xây dựng Luật Phòng chống mua bán người là có nên đưa tội phạm lừa đảo XKLĐ vào phạm vi điều chỉnh để định danh tội phạm buôn bán người? Bộ Tư pháp dẫn chứng hàng loạt trường hợp lừa đảo XKLĐ để làm cơ sở xem xét. Tại hội thảo mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng phải xác định rõ khái niệm và các yếu tố cấu thành tội phạm buôn bán người; trên cơ sở đó mới xác định hành vi lừa đảo XKLĐ có phải là hành vi mua bán người hay không?
Về chuyên môn, ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ VN, cho rằng hầu hết các vụ lừa đảo XKLĐ diễn ra trong thời gian qua là nhằm mục đích lừa gạt, chiếm đoạt tiền, chứ không liên quan đến các yếu tố sử dụng lao động, bóc lột hay cưỡng bức lao động. Do vậy cần cân nhắc, tách lừa đảo ra khỏi tội buôn bán người. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhận định đây là vấn đề rất nhạy cảm và đề nghị trong quá trình xây dựng luật, Bộ Tư pháp không nên đưa vào dự thảo các dẫn chứng về lừa đảo XKLĐ để làm cơ sở xem xét.
Bản chất là hành vi mua bán người
Liên quan đến vấn đề này, bà Lê Thị Nga lập luận: Tuy hành vi lừa đảo XKLĐ đã đủ dấu hiệu cấu thành một tội danh độc lập – lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng lừa đảo cũng lại chính là thủ đoạn để bọn tội phạm thực hiện hành vi mua bán người.
Vì thế, các chuyên gia luật, các cơ quan tư pháp cần lưu ý nghiên cứu, phân tích để xác định một người có hành vi lợi dụng chủ trương XKLĐ của Nhà nước để lừa người có nhu cầu đi lao động lấy tiền rồi đưa sang nước ngoài cho những đường dây sử dụng lao động bất hợp pháp, sau đó bỏ mặc họ bị bóc lột, nếu chỉ xử lý về hành vi lừa đảo là không đúng với bản chất của hành vi phạm tội này.