Báo Người lao động – 20/7/2010.
Chỉ khoảng 30% doanh nghiệp tại TPHCM báo cáo hoạt động xuất khẩu lao động cho cơ quan quản lý địa phương
Trong buổi làm việc mới đây với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận đề nghị cần có sự phân cấp quản lý giữa Bộ LĐ-TB-XH và Sở LĐ-TB-XH để công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn về hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) được thuận lợi.
Tại sao lại có đề nghị này?
Lao động có nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc được Sở LĐ-TB-XH TPHCM tổ chức đăng ký thủ tục hồ sơ
Doanh nghiệp không báo cáo
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH TPHCM, hiện trên địa bàn TP có 33 doanh nghiệp (DN) và 14 chi nhánh DN hoạt động dịch vụ XKLĐ. Từ năm 2007 đến tháng 6-2010, các DN trên địa bàn đã đưa được 27.727 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó lao động của TPHCM chiếm khoảng 8%-10%. Theo ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, sở đã thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, vận động tuyên truyền, hỗ trợ DN tuyển chọn lao động và tạo điều kiện cho người lao động (NLĐ) tham gia XKLĐ.
Tuy nhiên, Sở LĐ-TB-XH cho rằng việc cấp phép hoạt động XKLĐ do Bộ LĐ-TB-XH thực hiện nhưng việc quản lý chưa được phân cấp cho địa phương nên công tác quản lý gặp nhiều lúng túng. Ngoài ra, theo quy định, định kỳ 6 tháng và cả năm, DN phải báo cáo số lượng lao động địa phương được tuyển chọn đi XKLĐ cho Sở LĐ-TB-XH nhưng chỉ khoảng 30% DN trên địa bàn thực hiện. DN cũng không báo cáo đầy đủ tình hình hoạt động; thông tin về các hợp đồng cung ứng lao động, điều kiện làm việc của NLĐ ở nước ngoài cũng như thông tin về việc NLĐ phá vỡ hợp đồng, bỏ trốn. Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật hiện hành không quy định DN phải báo cáo số lượng NLĐ về nước trước hạn với địa phương nên sở cũng không nắm bắt tình hình việc làm, thu nhập, đời sống của họ, dẫn đến không thể hỗ trợ giới thiệu việc làm, cho vay vốn ưu đãi, tạo việc làm cho các trường hợp gặp khó khăn.
Không thể ngồi chờ
Trước những vướng mắc trên của TPHCM, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, cho rằng theo quy định, DN phải báo cáo số lượng lao động được tuyển chọn của các địa phương cho Sở LĐ-TB-XH và hai bên phối hợp theo dõi, giải quyết các vấn đề phát sinh. Trường hợp DN đóng tại TPHCM nhưng tuyển chọn lao động ở các tỉnh, thành khác thì phải báo cáo phối hợp theo dõi, quản lý, giải quyết rủi ro cho NLĐ với Sở LĐ-TB-XH của tỉnh, thành đó chứ không phải TPHCM.
Đây là lý do các văn bản hiện hành chỉ quy định DN phải báo cáo số lượng lao động của địa phương được tuyển chọn cho Sở LĐ-TB-XH của địa phương, còn danh sách NLĐ đi làm việc ở nước ngoài về nước, phá vỡ hợp đồng, bỏ trốn thì báo cáo về Cục Quản lý Lao động ngoài nước. Tuy nhiên, ông Quỳnh khẳng định không vì thế mà vai trò quản lý, trách nhiệm của các địa phương bị thu hẹp. Pháp luật về XKLĐ quy định rõ: UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan trực thuộc (ở đây là Sở LĐ-TB-XH) hoặc UBND cấp dưới phối hợp với các DN, tổ chức sự nghiệp của Nhà nước tuyển lao động tại địa phương và quản lý NLĐ của địa phương làm việc ở nước ngoài.
Pháp luật cũng cho phép các địa phương chủ động theo dõi, yêu cầu DN báo cáo, theo dõi, tham gia quản lý kể từ khi NLĐ của địa phương được đưa đi làm việc ở nước ngoài. Vai trò quản lý của địa phương còn phát huy ở các quy định về việc kiểm tra, thanh tra và xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động đưa người đi XKLĐ của các DN đóng trên địa bàn; giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động XKLĐ theo quy định của pháp luật…
Như vậy, vấn đề không phải do thiếu quy định mà là do thiếu sự chủ động của cơ quan chức năng địa phương trong quản lý, kiểm tra. Điều đó dẫn đến sự lỏng lẻo, tùy tiện trong thực thi pháp luật của DN XKLĐ.
Đề nghị giao quyền cho địa phương
Theo kiến nghị của UBND TPHCM tại báo cáo số 74/BC-UBND ngày 12-7-2010 do Phó Chủ tịch Hứa Ngọc Thuận ký, Chính phủ nên giao quyền quản lý các hoạt động về XKLĐ cho địa phương để chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các sở – ngành của TPHCM thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn. Cụ thể là quy định trách nhiệm của các DN về báo cáo tình hình hoạt động; thông báo đến cơ quan quản lý lao động cấp tỉnh, thành về hợp đồng lao động tại các thị trường, tình hình lao động ở nước ngoài, lao động bỏ trốn… để địa phương chủ động phối hợp với các ngành chức năng giải quyết.
Bài và ảnh: nguyễn Duy