VietNamNet – ngày 20//2010.
LTS CAMSA: Việt Nam thi hành chính sách hỗ trợ lao động nghèo đi XKLĐ từ năm 2009 khi lãnh vực này đưa lại cho kinh tế Việt Nam nguồn ngoại tệ dồi dào. Tuy chính sách này được đánh giá là sự quan tâm và nhân đạo của Chính phủ Việt Nam đối với những người lao động nghèo. Nhưng từ thực tế thực hiện, với cơ chế thi hành quan liêu, chính sách này đi vào cuộc sống không nhiều hiệu quả như mục đích đề ra. Sau đây là một hiện tượng tiêu cực phát sinh được báo chí Việt Nam đưa tin.
Huyện hậu thuẫn, doanh nghiệp tuyển “chui” lao động xuất khẩu
Dù không được Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB XH) thẩm định đơn hàng cho phép tuyển lao động theo Quyết định 71 của Thủ tướng chính phủ, nhưng dưới sự “hậu thuẫn” của UBND huyện Thường Xuân cũng như sự thờ ơ của Sở Lao động – Thương binh – Xã hội tỉnh Thanh Hóa, hai công ty VILACO Thanh Hóa và GMAS Thanh Hóa vẫn ngang nhiên vào huyện Thường Xuân tuyển lao động đi theo chương trình huyện nghèo.
“Làm huyện nghèo chỉ việc thông qua huyện”
Khi được hỏi về việc dựa trên cơ sở nào mà Công ty VILACO Thanh Hóa được về huyện Thường Xuân tuyển lao động đi Malaysia theo chương trình huyện nghèo.
Ông Hà Văn Tài, giám độc Công ty VILACO Thanh Hóa cho biết: “Công ty tuyển dựa theo yêu cầu của người lao động, người lao động có yêu cầu đi thị trường Malaysia thì công ty về tuyển chứ công ty không phải thông qua Sở Lao động, quy định này đã bỏ từ lâu rồi! (?)”.
Tại trụ sở Công ty CP Nhân lực Quốc tế Việt chi nhánh Thanh Hoá (VILACO Thanh Hoá),
ông Hà Văn Tài giám đốc công ty cho biết: Công ty tuyển dung lao động huyện nghèo chỉ việc thông qua huyện Thường Xuân.
Tuy nhiên, khi nghe phóng viên nêu ra quy trình để doanh nghiệp được làm huyện nghèo, thì ông Tài lại cho biết: “Việc làm huyện nghèo công ty XKLĐ phải thông qua huyện là mới và công ty cũng đã được UBND huyện Thường Xuân giới thiệu xuống các xã tuyển người đi XKLĐ.
Huyện thấy doanh nghiệp chúng tôi triển khai có mục đích thì huyện cho phép và chúng tôi triển khai cả cái 71. Chúng tôi được huyện Thường Xuân cho phép lên thực hiện chương trình đường lôi của Đảng và chúng tôi dựa trên quy định của Quyết định 71 để làm huyện nghèo”, ông Tài Khẳng định.
Nhưng khi PV nêu ra sự việc ở thôn Nhàng xã Luận Khê. Cụ thể, theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội mức giá trần người lao động huyện nghèo đi XKLĐ tại Malaysia chỉ được vay tối đa 25 triệu/ người, nhưng tại sao khi Công ty VILACO Thanh Hóa vào tư vấn và thực hiện làm hồ sơ vay Ngân hàng CSXH huyện Thường Xuân có những người được vay lên tời 40 triệu/ người?.
Thì được ông Tài cho biết: “Những người vay 40 triệu là vì trước đây người ta thích đi Trung Đông. Nhưng do nhu cầu cửa người đi trước – đi thị trường Malaysia thấy thu nhập tốt thì điện về cho người lao động ở nhà chuyển từ thị trường Trung Đông sang đi Malaysia. Còn số tiền thừa công ty chuyển ngược lại cho ngân hàng Thường Xuân chứ công ty không giữ lại. Nếu không tin anh cứ kiểm tra việc đó”.
Thế nhưng khi phóng viên đưa ra dẫn chứng cụ thể trường hợp anh Tạ Quang Gần, Trưởng thôn Nhàng vừa được Công ty VILACO Thanh Hóa trực tiếp trả lại số tiền 18 triệu đồng thì ông Tài đưa ra lời giải thích: “Trước đây anh Gần đi thị trường Trung Đông, nhưng do hoàn cảnh gia đinh khó khăn nên anh Gần xin chuyển thị trường và xin rút một phần kinh phí cho vợ con ở nhà làm ăn. Tôi cũng trao đổi với đồng chí ấy phải làm đơn lên xã cho rút tiền thì tôi mới cho rút”.
Cũng hỏi về vấn đề dựa vào cơ sở nào mà Công ty GMAS Thanh Hóa được phép tuyển lao động huyện nghèo theo Quyết định 71 của Chính phủ tại huyện Thường Xuân, ông Nguyễn Xuân Hưng, Giám đốc Công ty GMAS Thanh Hóa chỉ khẳng định: “Công ty GMAS Thanh Hóa làm không có gì sai vì cấp huyện người ta đồng ý cho doanh nghiệp làm. Nghĩa là người lao động đồng ý đi thì doanh nghiệp được phép đưa người ta đi. Đây là quy định rõ ngoài Quyết định 71”.
Chưa biết chính sách hỗ trợ lao động huyện nghèo ở Thanh Hoá đi XKLĐ như thế nào, nhưng hiện tại những lao động ở huyện nghèo Thường Xuân khi đi XKLĐ theo chính sách này đang lâm vào cảnh khốn đốn. (Ảnh: GV).
Ông Hưng còn cho hay: “Huyện bây giờ họ khôn nên không bao giờ giới thiệu cho doanh nghiệp làm theo 71, còn việc thỏa thuận của doanh nghiệp đi tư vấn là việc của các doanh nghiệp với người lao động”.
Huyện nói được phép, Sở bảo không!
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Lao động Thương binh – Xã hội huyện Thường Xuân cho biết: Hai công ty VILACO Thanh Hóa và GMAS Thanh Hóa có đầy đủ pháp nhân để vào huyện Thường Xuân tuyển lao động theo chương trình huyện nghèo. Hai công ty có văn bản của sở Lao động và Cục Quản lý lao động ngoài nước về huyện tuyển lao động theo QĐ 71, mà chủ yếu là tuyển lao động đi Malaysia.
“Trước khi họ đến đây chúng tôi có kiểm tra giấy giới thiệu của Sở Lao động và có giấy của Cục quản lý lao động cho phép hai công ty thực hiện theo Quyết định 71, trong đó còn có lao động đi làm hàn bao nhiêu, đi làm cốt pha bao nhiêu… có chỉ tiêu cụ thể”, ông Phương khẳng định.
Nhưng khi PV yêu cầu được xem giấy giới thiệu của Sở Lao động và Cục Quản lý lao động ngoài nước giới thiệu thẩm định đơn hàng cho phép hai công ty GMAS Thanh Hoá và VILACO Thanh Hoá về huyện Thường Xuân được tuyển lao động theo Quyết định 71, thì ông Phương lại đưa ra lý do từ chối: “Tôi chỉ nắm chung chứ văn bản giấy tờ tôi giao cho chuyên môn đang đi công tác! Tôi không giữ cái đó làm gì!”.
Khi nghe PV phản ảnh về tình trạng người lao động ở xã Luận Khê và xã Lương Sơn đang bị hai Công ty GMAS Thanh Hóa và VILACO Thanh Hóa lợi dụng Quyết định 71 làm thủ tục cho người lao động vay tiền tại Ngân hàng CSXH huyện Thường Xuân đi Trung Đông, nhưng thực tế lại đi Malaysia thì bất ngờ được ông Phương trả lời: “Cái này nói thật với anh là tôi không biết. Cái này xã không báo cáo, người lao động không thấy nói năng gì và công ty cũng không báo cáo nên bây giờ các anh nói chúng tôi mới biết”.
Trả lời này trái ngược hoàn toàn với với những gì ông Phương khẳng định sau đó, khi ông khẳng định rằng: “Trước khi lao động ra ngân hàng CSXH huyện vay tiền phải có danh sách được xã và công ty ký đóng dấu rồi huyện xem xét đóng dấu thì ngân hàng mới được cho vay”.
Trái ngược với trả lời của UBND huyện Thường Xuân, khi trao đổi với VietNamNet, ông Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở Lao động Thương binh – Xã hội tỉnh Thanh Hóa lại khẳng định: Hai Công ty VILACO Thanh Hóa và GMAS Thanh Hóa chưa hề có giấy giới thiệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước về Thanh Hóa làm huyện nghèo và Sở cũng chưa hề giới thiệu với huyện Thường Xuân để cho hai doanh nghiệp XKLĐ này lên làm theo huyện nghèo.
“Không bao giờ có chuyện không có giấy giới thiệu của Cục mà chúng tôi cho doanh nghiệp tuyển. Huyện họ bảo Sở giới thiệu thì phải có văn bản chứ! Chẳng lẽ Sở lại giới thiệu bằng mồm à! Làm cái gì cũng thế phải có văn bản quy định của nhà nước. Sau khi nghe có thông tin này chúng tôi sẽ làm văn bản cho chấn chỉnh việc này ngay để tránh trường hợp người lao động gặp rủi ro”, ông Tùng khẳng định.
Tuy nhiên, ông Tùng lại giải thích việc có các doanh nghiệp như VILACO Thanh Hóa và GMAS Thanh Hóa về tuyển lao động huyện nghèo ở Thường Xuân là do “tiền sử” để lại:
Ông Tùng nói: “Ngày 29//4/2009 Quyết định 71 ra đời, nhưng trước 29/4 các doanh nghiệp vẫn làm ở các huyện nghèo…. Việc tồn tại như thế rồi, bây giờ lao động không đi được không may gặp rủi ro thì trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước trong đó có Cục Quản lý lao động ngoài nước để tham gia giải quyết việc này.
Cục cũng đừng nói là doanh nghiệp đó Cục chưa giới thiệu vì nó tồn tại từ trước rồi. Những lao động mà đi trước đó với doanh nghiệp này rồi bây giờ bảo đi với doanh nghiệp khác là người ta không thích ngay”, ông Tùng tỏ vẻ bức xúc.
Về vấn đề này, Trao đổi với PV bà Hoàng Kim Ngọc, Cục Phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB – XH) cho biết: “Hai Công ty CP Nhân lực Quốc tế Việt ( VILACO) và Công ty CP Dịch vụ nhân lực Toàn Cầu (GMAS) chưa hề đăng ký với Cục thực hiện theo Quyết định 71 ở Thanh Hóa.
Riêng với các huyện nghèo ở Thanh Hóa Cục có đề nghị làm theo cái quy trình như Cục đề ra để đảm bảo mục tiêu an toàn cho người lao đông và phối hợp cho nó chặt chẽ để có kết quả thế nhưng Thanh Hóa lại không làm như thế, lãnh đạo Thanh Hóa bảo rằng đó là cái quyền được đi xuất khẩu của lao động.
Cho đến vưa rồi Cục nhận đuợc một số đơn của người lao động, bản thân Thanh Hóa cũng gửi cho Cục những lao động địa phương đi theo các doanh nghiệp ko được giới thiệu của Cục. Trong đó một vài trường hợp doanh nghiệp thu tiền của lao động nhưng lao động không đi được, rồi có trường hợp sang bên đó mất việc… mà cái này Cục đã cảnh báo ngay từ đầu”, bà Ngọc bức xúc.