Thông tin từ Báo nhandan.com.vn – ngày 08-02-2010
NDĐT – Hôm 5-2, tại Bộ Tư pháp, Ban soạn thảo dự Luật Phòng chống buôn bán người (PCBBN) đã nhóm họp, bàn những vấn đề còn đang gây tranh cãi, quan điểm khác nhau. Theo lịch trình, đến tháng 7-2010, dự luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua.
Luật”phòng chống buôn bán người”hay”mua bán người”?
Thời gian qua, dự thảo một Luật PCBBN đã tiếp thu được nhiều ý kiến góp ý song vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về tên gọi. Theo dự luật, buôn bán người được hiểu là hành vi mua, bán người đã thành niên, người chưa thành niên, kể cả trẻ em hoặc tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp, nhận những người nói trên nhằm mục đích bóc lột tình dục, bóc lột sức lao động hoặc để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân.
Đa số ý kiến cho rằng, nên gọi là Luật PCBBN cho phù hợp với Công ước quốc tế, phù hợp luật pháp các quốc gia khác, tạo thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn bán người. Đại diện Bộ Lao động Thương Binh và Xã Hội, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đều cho rằng, nên gọi là Luật PCBBN vì mua bán không bao hàm các hành vi khác như tuyển mộ, chứa chấp.. và rất dễ vướng luật pháp quốc tế trong quá trình thực thi.
Tuy nhiên, theo một số ý kiến, nên sửa là Luật phòng chống mua bán người song kèm khái niệm rõ về hành vi mua bán người gồm mua bán đơn lẻ, mua bán có quy mô, tổ chức để hài hoà luật pháp trong nước và luật pháp quốc tế. Vì theo điều 119 và 120 của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự, chỉ có tội danh mua bán người và tội mua bán trẻ em mà chưa quy định tội buôn bán người. Theo đó, cứ có hành vi mua bán người là xử lý theo Luật chứ không cần phải là hành vi buôn bán (tức là mua đi bán lại nhiều lần). Nếu quy định như vậy sẽ không kéo theo hệ quả là sửa đổi các văn bản hiện hành cho phù hợp.
Theo ý kiến của Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công An, hoạt động tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em nhìn chung vẫn diễn phức tạp, tính chất quy mô và thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ và xuyên quốc gia. Mức độ tiềm ẩn tội phạm còn rất lớn. Do đó, việc thành lập lực lượng chuyên trách trực tiếp đấu tranh loại hình tội phạm này là rất cần thiết và nên giao cho lực lượng công an, cảnh sát biển và bộ đội biên phòng. Đại diện của Bộ Quốc phòng cho rằng, việc thành lập lực lượng này nên theo hướng “mở” phù thuộc vào tình hình cơ cấu tổ chức từng đơn vị. Điều đó cũng giảm bớt mối lo ngại là cứ mỗi khi ban hành Luật lại quy định thêm một cơ quan chuyên trách sẽ khiến bộ máy phình to.
Hỗ trợ nạn nhân, phải sao cho trúng
Theo dự thảo Luật PCBBN, nạn nhân sẽ được hỗ trợ về tiền ăn, mặc, tàu xe, y tế, tâm lý, thủ tục pháp lý, trợ giúp pháp lý, học văn hóa, học nghề, hỗ trợ vốn khắc phục khó khăn ban đầu, giúp nạn nhân tái ổn định cuộc sống. Trong quá trình điều tra, xét xử nếu nạn nhân có yêu cầu thì xử kín và thông tin cá nhân của họ cũng được giữ bí mật.
Tuy nhiên, việc xác định thời điểm bắt đầu hỗ trợ nạn nhân cho phù hợp là rất khó. Hỗ trợ nạn nhân sau khi đã có các giấy tờ xác minh của các cơ quan hữu quan hay chỉ áp dụng các biện pháp hỗ trợ ban đầu trong khi chờ xác minh là vấn đề khó. Nếu hỗ trợ luôn thì có thể “nhầm” nạn nhân, mà hỗ trợ chậm “căn đúng” quy trình về thời hạn, căn cứ thì khó cho các nạn nhân thật sự. Theo ông Nguyễn Công Hồng -Vụ trưởng Vụ pháp luật Hình sự-Hành chính (Bộ Tư pháp), nếu không quy định chặt thì dễ dẫn đến cảnh những người không phải là nạn nhân của vụ buôn bán cũng đến xin hưởng chính sách hỗ trợ hoặc cơ quan quản lý có thể làm chuyện tiêu cực, đưa danh sách hỗ trợ khống. Hiện tại, ở các khu vực cửa khẩu, đường biên, bộ đội biên phòng luôn phải “nhường cơm, xẻ áo” cho những người bị đem đi buôn bán ở các nước láng giềng song đa phần là thực hiện luôn khi tiếp nhận họ.
Theo ban soạn thảo dự luật PCBBN, hiện đang có hai luồng ý kiến về việc có nên thành lập Quỹ hỗ trợ nạn nhân hay không. Song đa số ý kiến cho rằng nên cân nhắc các vấn đề như sự cần thiết, nguồn quỹ, cách thức sử dụng quản lý nguồn quỹ, đối tượng thụ hưởng …Đại diện của Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội cho rằng, cân nhắc việc thành lập quỹ, nếu nguồn quỹ chủ yếu là từ ngân sách nhà nước là không cần thiết.
Áp dụng quyền tài phán ngoài lãnh thổ
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên – Phó Trưởng ban soạn thảo nhấn mạnh, PCBBN có hiệu quả hay không phải bắt đầu từ ý thức con người, phải nâng cao giáo dục con người từ ngay trong gia đình, nhà trường để hạn chế tỷ lệ nạn nhân các vụ buôn bán người. Trên thực tế, buôn bán người là loại án truy xét, phần lớn án do thân nhân nạn nhân tố giác, chứng cứ của các vụ án chủ yếu là lời khai của nạn nhân, rất ít trường hợp có nhân chứng trong khi đa số các vụ buôn bán người có tính xuyên quốc gia.
Thời gian qua, đa số các vụ án mua bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài mới chỉ giải quyết được”phần ngọn”, hầu hết các vụ buôn bán có yếu tố nước ngoài đều không có điều kiện xác minh, bắt giữ, xử lý. Dự luật PCBBN lần này đã quy định các quyền tài phán ngoài lãnh thổ, đối với các trường hợp phạm tội trong nước mà trốn ra nước ngoài và ngược lại, tội phạm trốn sang Việt Nam. Các biện pháp hợp tác quốc tế trong việc xác minh, giải cứu và hồi hương nạn nhân, bảo vệ nhân chứng, đặc biệt là tương trợ tư pháp về hình sự cũng sẽ được áp dụng nhằm giải quyết “phần gốc” của loại hình tội phạm này.
Các giấy tờ chứng minh nạn nhân bị buôn bán trong nước là kết luận điều tra của cơ quan công an, cáo trạng của Viện kiểm sát, bản án quyết định của Toà án, giấy xác nhận của cơ quan công an, Toà án, Viện kiểm sảt đã thụ lý điều tra, truy tố hoặc xét xử vụ án mua bán người, các giấy tờ khác của cơ quan có thẩm quyền cấp.
UNBD cấp xã nơi nạn nhân trở về có trách nhiệm thu thập thông tin, lập hồ sơ chuyển cơ quan công an cấp tỉnh xác định nạn nhân. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận văn bản đề nghị, công án cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời chính thức bằng văn bản. Trách nhiệm xác minh thông tin nạn nhân đang ở nước ngoài do Bộ Công An, nạn nhân được giải cứu hoặc tự trở về qua biên giới mà không do nước ngoài giao trả sẽ do Bộ đội Biên phòng tỉnh xác minh.
Nguồn: http://news.socbay.com/du_thao_luat_phong_chong_buon_ban_nguoi_nan_nhan_co_quyen_yeu_cau_xu_kin-626046987-251658240.html