Thông tin từ Báo DatViet.vn – ngày 29/01/2010.
Có thể nói, khi mà những người có trách nhiệm chưa dám nhìn thẳng, chưa dám nói thật, thì khi đó xuất khẩu lao động vẫn sẽ chỉ là một bức tranh đầy những gam màu xám.
Ngày 28/1, Cục quản lý lao động ngoài nước đã tổ chức kỷ niệm 30 ngày thành lập. Tại hội nghị này, Cục trưởng Nguyễn Ngọc Quỳnh đã trình bày bản báo cáo dài tới 14 trang. Điều làm nhiều người tham dự hội nghị băn khoăn là hầu như suốt từ đầu đến cuối, bản báo cáo này chỉ tập trung vào những mặt “được”, mặt “tích cực” và những kết quả đem lại.
Trong khi đó, rất nhiều điểm yếu, hạn chế của cơ quan quản lý Nhà nước về xuất khẩu lao động, của doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này đã không được phân tích, mổ xẻ một cách cặn kẽ, để từ đó có những giải pháp thúc đẩy.
Ai cũng biết, chỉ tiêu xuất khẩu lao động năm vừa qua chỉ đạt 83% kế hoạch (mà con số này cũng chỉ là do cơ quan quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động đưa ra, chứ chưa qua kiểm chứng).
Đề cập đến nguyên nhân, người ta luôn viện dẫn các lý do vô cùng quen thuộc: khủng hoảng kinh tế khiến thị trường bị thu hẹp; nhu cầu tiếp nhận lao động tại nhiều thị trường chủ lực giảm mạnh; nhiều lao động phải về nước trước thời hạn…
Trong khi đó, những yếu kém, bất cập của công tác quản lý Nhà nước, những hạn chế của các DN xuất khẩu lao động lại ít khi được nhắc tới. Phải chăng vì những người có trách nhiệm đã không đủ bản lĩnh để dám “nhìn thẳng, nói thật”, nên bức tranh xuất khẩu lao động mới trở nên ảm đạm như bây giờ?
Dù thị trường xuất khẩu lao động năm nay được dự báo (và đang) có những tín hiệu tích cực, song với việc những yếu kém chủ quan chậm được khắc phục cùng với hiện tượng hàng loạt các DN xuất khẩu lao động xin được trả giấy phép, e rằng lại thêm một năm nữa, chỉ tiêu xuất khẩu lao động lại không thể hoàn thành (năm 2010, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đặt chỉ tiêu đưa 85.000 lao động ra nước ngoài làm việc – một chỉ tiêu mà theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, còn “khó hơn lên trời”).
Có thể nói, việc nhiều DN trả lại giấy phép xuất khẩu lao động, cũng như nhiều DN bị thu hồi giấy phép (do không đưa được lao động nào đi xuất khẩu trong một năm) là dấu hiệu đáng ngại cho hoạt động xuất khẩu lao động, một ngành kinh tế tạo việc làm cho gần 500.000 lao động, mỗi năm đem về cho đất nước 1,7 tỷ USD.
Từ chỗ được xem như một “mỏ vàng” để các DN chen nhau nhảy vào, việc nhiều “đại gia” trả lại giấy phép, thờ ơ với giấy phép hẳn làm nhiều người sửng sốt. Nhưng nếu nhìn nhận một cách công bằng, thì điều đó là tất yếu, dù không ai muốn.
Bản thân nhiều DN, vốn có mục tiêu tối đa là lợi nhuận, đã không chịu đầu tư theo chiều sâu, đề ra chiến lược dài hạn, cụ thể mà thường làm ăn theo kiểu “chụp giật”, được chăng hay chớ. Chính vì thế, khi thị trường xuất khẩu lao động, vốn đã rất bấp bênh, xảy ra biến cố, họ không có khả năng ứng phó, cầm cự yếu ớt và cuối cùng là phá sản hoặc chuyển sang loại hình sản xuất – kinh doanh khác.
Nhưng nếu đổ lỗi hết cho DN thì sẽ không thỏa đáng. Ở đây, cần thấy rõ trách nhiệm rất lớn của cơ quan quản lý Nhà nước. Cụ thể, cơ quan này chưa có biện pháp thẩm tra chặt chẽ năng lực của các đơn vị xin cấp phép cũng như thẩm tra chất lượng các hợp đồng cung ứng lao động do các DN đăng ký.
Bằng chứng điển hình nhất là việc nhiều DN đã “lãnh đủ” với hai “cú sốc” năm 2008, đầu năm 2009: hàng nghìn lao động sang Nga và Czech phải về nước trước thời hạn, do chính sách của nước sở tại thay đổi. Nếu như năng lực dự báo được tiến hành chặt chẽ, liệu điều đó có xảy ra? Và nếu cơ quan quản lý nhà nước phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các vi phạm của DN, liệu có DN nào dám làm ăn gian dối, thiếu trách nhiệm trong việc quản lý và bảo vệ người lao động?
Một thống kê gần đây cho thấy, chỉ có 30% DN trong số hơn 100 DN xuất khẩu lao động là hoạt động tốt, còn lại đều có quy mô nhỏ, thiếu kinh nghiệm. Phải chăng vì khi thẩm định năng lực để cấp phép cho DN, cơ quan quản lý đã dễ dãi?.
Có thể nói, khi mà những người có trách nhiệm chưa dám nhìn thẳng, chưa dám nói thật, thì khi đó xuất khẩu lao động vẫn sẽ chỉ là một bức tranh đầy những gam màu xám.