Thông tin từ Báo DatViet.vn – ngày 07/01/2010.
170 doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu lao động nhưng chỉ có 30% là hoạt động tốt dẫn tới tình trạng người lao động gặp khó khăn khi ra nước ngoài, do kiến thức được bồi dưỡng qua quýt.
Theo thống kê của Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), tính đến hết tháng 12/2009, có gần 75.000 lao động Việt Nam được đưa đi lao động ở nước ngoài (năm 2008 là 85.000 người). Với kết quả này, xuất khẩu lao động (XKLĐ) chỉ đạt 83% so với kế hoạch đề ra cho cả năm 2009. Phân tích nguyên nhân dẫn tới việc XKLĐ năm 2009 không thể cán đích chỉ tiêu đưa 90.000 lao động ra nước ngoài làm việc, cơ quan quản lý và những người có trách nhiệm thường viện dẫn những lý do “quen thuộc”, như: ảnh hưởng của tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu khiến nhiều nước hạn chế tiếp nhận sử dụng lao động, nhiều lao động phải về nước trước thời hạn…
Đúng là không thể phủ nhận cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ toàn cầu đối đã khiến thị trường lao động xuất khẩu thu hẹp đáng kể, không chỉ riêng đối với Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người đã “quên”, hoặc “ngại” phân tích những nguyên nhân chủ quan đã tồn tại từ rất lâu, song không biết đến bao giờ mới được khắc phục.
Trước hết phải nói đến vai trò của các doanh nghiệp trong lĩnh vực XKLĐ. Trong một báo cáo giám sát về XKLĐ gần đây, Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chỉ rõ hàng loạt những bất cập, như: số lượng lớn (gần 170 đơn vị) song nhiều doanh nghiệp có quy mô quá nhỏ, lực lượng mỏng và thiếu kinh nghiệm. Trong khi đó, việc tổ chức dạy nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi được thực hiện qua quýt, chiếu lệ. Đã vậy, nhiều doanh nghiệp còn thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động ở nước ngoài; phí môi giới không rõ ràng, ngoài tầm kiểm kiểm soát; chồng chéo thị trường, cạnh tranh thiếu lành mạnh…
Chính những điều này đã khiến hầu hết lao động Việt Nam, vốn không có khả năng đầu tư tự học nghề, ngoại ngữ, khi ra nước ngoài đã gặp phải rất nhiều khó khăn và chỉ có thể làm những công việc với thu nhập rất thấp. Theo tính toán, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp được cấp phép XKLĐ là hoạt động tốt.
Bản báo cáo giám sát cũng không quên phân tích những hạn chế, yếu kém của quản lý Nhà nước, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến các vấn đề: chưa có biện pháp thẩm tra chặt chẽ năng lực của các đơn vị xin cấp phép cũng như thẩm tra chất lượng các hợp đồng cung ứng lao động do các doanh nghiệp đăng ký; tiêu cực trong công tác quản lý chưa được phát hiện để chấn chỉnh, nghiêm trị; xử lý chưa nghiêm minh các vi phạm của doanh nghiệp XKLĐ… Theo Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi, những hạn chế, yếu kém đó chính là một trong những nguyên nhân chính khiến sự nghiệp XKLĐ không đem lại hiệu quả tương xứng với tiềm năng của Việt Nam, một đất nước luôn dồi dào nguồn nhân lực.
Việt Nam hiện có khoảng 600.000 lao động làm việc tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ. Mỗi năm, số tiền mà các lao động ngoài nước gửi về gia đình khoảng hai tỷ USD. Tuy nhiên, nếu so sánh với Philippines, một đất nước chỉ với 90 triệu dân, hẳn nhiều người sẽ phải suy nghĩ khi quốc gia này luôn có tới hơn 10 triệu lao động làm việc ở ngoài nước, mỗi năm mang về cho đất nước hơn 12 tỷ USD.
Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2010, thị trường XKLĐ sáng hơn rất nhiều so với năm 2009, trong đó, có những dấu hiệu rất tích cực từ những thị trường có thu nhập cao (Nhật Bản, châu Âu). Tuy nhiên, sẽ chẳng dễ dàng chút nào, nếu như những điểm yếu nổi bật của lao động Việt Nam (trình độ tay nghề, ngoại ngữ, ý thức và tác phong kỷ luật) chưa được cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp nhìn nhận một cách nghiêm túc để có biện pháp khắc phục.