Thông tin từ Báo Người Lao Động online – ngày 6/11/2009.
Ngày 4-11, Đại sứ quán VN tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất đã khuyến cáo về nguy cơ các doanh nghiệp và cá nhân VN bị một số đối tượng môi giới xuất khẩu lao động và thương mại lừa đảo
Đối tượng lừa đảo chủ yếu là những người nước ngoài cư trú tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), vẽ ra viễn cảnh về một hợp đồng xuất khẩu lao động (XKLĐ) đầy triển vọng, có thu nhập cao, việc làm ổn định hoặc lập ra các hợp đồng thương mại mang lại nhiều lợi nhuận, hợp tác lâu dài, dễ thực hiện. Chúng thường đề nghị phải đặt cọc tiền, nộp phí môi giới hoặc ứng trước tiền làm thị thực… Sau khi nhận tiền, chúng cao chạy xa bay.
Hàng ngàn lao động bị lừa
Bên cạnh đó, một số người đi XKLĐ sang UAE cũng đã bị chính các đối tượng người Việt lừa đảo bằng các thủ đoạn trên hoặc tinh vi hơn là liên kết với các đối tượng ngoài nước. Chúng lập ra các hợp đồng tuyển dụng “ma”; thu tiền môi giới XKLĐ, vé máy bay, phí đào tạo, sau đó đưa nạn nhân sang UAE bằng thị thực du lịch và bỏ rơi họ.
Phần lớn nạn nhân đều không có đủ bằng chứng pháp lý, chẳng hạn như hợp đồng XKLĐ hoặc nếu có thì là giao kèo viết tay, không có phiếu thu tiền để chứng minh các khoản tiền đã nộp, thậm chí có người chỉ biết tên người môi giới là chị H. hay anh D. chứ hoàn toàn không biết cá nhân, tổ chức nào đã đưa mình sang UAE… nên rất khó để khiếu kiện các đối tượng lừa đảo.
Đại sứ quán không cho biết cụ thể có bao nhiêu doanh nghiệp (DN) và lao động bị lừa theo khuyến cáo nói trên. Chiều 5-11, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB -XH), cho biết đang gấp rút rà soát chứ chưa có thông tin cụ thể có DN XKLĐ nào bị lừa hay không.
Tuy nhiên, theo giám đốc một DN có nhiều năm đưa lao động sang UAE, hiện tượng lừa đảo ở UAE bắt đầu xuất hiện từ 2 năm nay. Ngoài số lao động sang UAE bằng visa du lịch thông qua các cá nhân, tổ chức ngoài luồng không nắm được, ít nhất có khoảng 10 DN cùng số lượng lao động bị lừa lên tới cả ngàn người.
Gánh chịu hậu quả
Phần lớn DN và người lao động bị lừa đảo ở UAE đều do nhẹ dạ cả tin và thiếu hiểu biết các quy định, pháp luật của nước sở tại. Vấn đề cấp thiết đặt ra là chính cách làm “ăn xổi ở thì” của DN XKLĐ VN đã làm phát sinh những phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi của lao động VN tại UAE.
Hiện cả nước có hơn 50 DN đưa lao động sang UAE. Trong số này chỉ có 4 DN cử cán bộ đại diện sang quản lý lao động và duy nhất chỉ có Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Hàng không (Airseco) mở văn phòng đại diện tại UAE.
Do quản lý lao động lỏng lẻo, phó mặc cho công ty môi giới nên dẫn đến tình trạng người lao động bị o ép, ngược đãi, thậm chí bị bóc lột, xâm hại quyền lợi khi làm việc ở UAE. Theo ông Lê Thanh Hà, Bí thư thứ ba, tùy viên lao động thuộc Đại sứ quán VN tại UAE, có khá nhiều trường hợp người lao động bị chủ chậm trả lương, tính sai giờ làm thêm, mức lương ký ở nước ngoài không giống như đã ký trong nước với DN XKLĐ.
Cá biệt có trường hợp người môi giới bắt người lao động ký hai hợp đồng với hai mức lương khác nhau: Một hợp đồng ký với chủ sử dụng lao động để làm thủ tục trả lương và một hợp đồng ký với môi giới với mức lương rất thấp.
Phần lớn các vụ lao động VN ở UAE đánh nhau, trộm cắp, lãn công, đình công đều xuất phát từ việc quyền lợi chính đáng bị xâm hại và kết cục diễn ra tiếp theo, nói như ông Lê Thanh Hà, là “lao động VN ở UAE bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp đang ngày càng gia tăng”.
Ông Nguyễn Xuân Vui, Tổng Giám đốc Airseco, rất bức xúc khi đề cập những bất ổn, cách làm chụp giật của các DN XKLĐ VN ở UAE. Ông Vui đề nghị cơ quan chức năng xử lý thật nghiêm các DN không đăng ký hợp đồng, không báo cáo hợp đồng, buộc bồi thường mọi chi phí nếu hành vi vi phạm của mình gây ra thiệt hại cho người lao động.