Thông tin từ Người lao động online – ngày 28/8/2009.
LTS: Hiện tại, tình trạng công nhân Việt Nam đi lao động ở Nga trở về nước trước hạn tiếp tục xảy ra ngày càng nhiều. Họ làm việc không được trả lương trong thời gian dài, bị chuyển việc làm từ công ty này sang công ty khác và về nước trắng tay. Công ty môi giới Xuất khẩu lao động Việt Nam trốn tránh trách nhiệm, công nhân đổ xuống thủ đô, “ăn trực nằm chờ” ngay trước trụ sở công ty môi giới và Cục Quản lý lao động ngoài nước để chờ đợi được giải quyết, giúp đỡ. Tuy nhiên, quyền lợi của họ vẫn không được giải quyết đảm bảo.
Bài 2: Vinahandcoop “đem con bỏ chợ”
Mỗi người bỏ ra 32 triệu đồng sang Nga với mong muốn cải thiện đời sống khó khăn, song gần một năm trôi qua, 39 lao động người Thái Nguyên không có đồng nào gửi về nhà
Trong khi 36 người lao động (NLĐ) từ Nga về nước vẫn chầu chực chờ Tổng Công ty Thép giải quyết, chiều 27-8, lại thêm 39 người từ Nga về kéo đến Cục Quản lý Lao động ngoài nước (QLLĐNN) Bộ LĐ-TB-XH để chờ đợi kết quả thanh lý hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên Sản xuất – Thương mại và XKLĐ (Vinahandcoop). 39 NLĐ này đều ở Thái Nguyên.
Anh Đặng Xuân Trực, ngụ Sông Công – Thái Nguyên, cho biết anh cùng 38 NLĐ đều xuất cảnh từ tháng 5-2008 nhưng khi sang Nga, tháng đầu không được trả lương vì phải “thử việc”; tháng thứ 2 và 3 bị trừ lương và được giải thích là trả cho công ty môi giới VN. Tháng thứ 4 trở đi, công ty bên Nga không có việc để làm. Vậy là trong gần một năm ở Nga, 39 NLĐ này hầu như chỉ ăn không ngồi rồi. Công ty bên Nga cứ hằng tháng lại mang “sổ nợ” thanh toán các khoản sinh hoạt bắt họ ký.
Theo chị Hoàng Thị Thảo, ngụ tại Đồng Hỷ – Thái Nguyên, hợp đồng mỗi NLĐ ký với Công ty Elit-Treid tại TP Ivanteevka – Nga có thời hạn 3 năm. Trong đó ghi rõ mức thu nhập bình quân 48 triệu -50 triệu đồng/người/năm (đã trừ chi phí sinh hoạt). “Anh em nhiều lần đề nghị công ty tìm việc làm không xong đành gọi điện cho Vinahandcoop và gia đình để được về nước. Chúng tôi về nước đã 3 tháng song hợp đồng vẫn chưa được thanh lý. Nhiều lần liên lạc, thậm chí kéo lên trụ sở Vinahandcoop tại Hà Nội song lãnh đạo công ty luôn lánh mặt. Không còn cách nào khác, chúng tôi mới phải đến nhờ Cục QLLĐNN giúp” – chị Thảo bức xúc.
39 lao động người Thái Nguyên từ Nga về đang chầu chực tại Cục Quản lý Lao động ngoài nước Bộ LĐ-TB-XH
Trước đó, trong tháng 12-2008, Sở LĐ-TB-XH Thái Nguyên đã có buổi làm việc với Vinahandcoop và yêu cầu: Nếu tiếp tục làm việc theo hợp đồng cũ thì phải có đơn đăng ký với đại diện công ty tại Nga. Nếu NLĐ về nước, doanh nghiệp phải cam kết trả tiền phí xuất cảnh cho công ty và NLĐ, sau đó giải quyết hợp đồng theo quy định.
Trước tình hình này, tháng 4-2009, Thường trực Ban Chỉ đạo XKLĐ Thái Nguyên, đại diện Cục QLLĐNN và Ban Chỉ đạo XKLĐ các huyện đề nghị các bên giải quyết theo hướng thương lượng. Bất chấp yêu cầu này, từ đó đến nay, Vinahandcoop vẫn làm ngơ. Cùng cực, từ tháng 7-2009, 39 NLĐ này kéo lên “nằm vạ” tại Cục QLLĐNN gây sức ép để cơ quan này đốc thúc doanh nghiệp rốt ráo hơn. Để giảm áp lực, Vinahandcoop cam kết giải quyết trước ngày 23-8. Hạn chót đã qua 5 ngày và NLĐ vẫn dài cổ ngóng đợi.
Ông Nguyễn Văn Tâm, cha của chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, một trong 39 NLĐ từ Nga về, cho biết Vinahandcoop đã cùng với chính quyền địa phương vận động người dân nên ai cũng tin tưởng. Ngoài số tiền 32 triệu đồng nộp các chi phí cho công ty, NLĐ còn nộp đầy đủ tiền học nghề cho Vinahandcoop do công ty này mở lớp tại Thái Nguyên.
Sáng 27-8, đại diện Vinahandcoop đã đến Cục QLLĐNN thương lượng với NLĐ và đưa ra mức hỗ trợ, đền bù là 500 USD/người. Song, 39 NLĐ đều cho rằng số tiền đó quá ít, công ty cần có mức đền bù thỏa đáng vì đã vi phạm hợp đồng. Hiện Cục QLLĐNN vẫn chưa có ý kiến chính thức về việc này.