CAMSA – ngày 21/8/2009.
Công ty Hợp tác Kinh tế – COECCO
Tel: (038) 855371 – 855145; Fax: (84-38) 855247
Địa chỉ: Số 187 Nguyễn Du, Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Công ty COECCO cùng với 03 công ty môi giới Xuất khẩu lao động Việt Nam khác đã đưa 31 công nhân Việt Nam sang Malaysia làm việc cho Công ty Spektra Alucast – vùng Selangor Darul Ehsan. Những người công nhân này làm việc rất vất vả nhưng không được trả lương đầy đủ, không được gia hạn Giấy phép lao động và phải sống rất khó khăn, không tiền, không thức ăn, không có nước dùng do không được Công ty sử dụng lao động hay các công ty môi giới Xuất khẩu lao động quan tâm đến.
Hồ sơ về những người công nhân này đã được CAMSA xem xét và trợ giúp pháp lý để yêu cầu Spektra Alucast hoàn trả tiền lương. Sau những diễn tiến của vụ việc, CAMSA nhận thấy Công ty COECCO đã vi phạm các quy định pháp luật Việt Nam đối với những người công nhân này, cụ thể như sau:
-Vi phạm về th ời gian ký kết Hợp đồng dịch vụ với công nhân. Theo quy định của Điểm a, Điều 2 Mục V Thông tư 21/2007 hướng dẫn Nghị định 126/2007: “Doanh nghiệp dịch vụ ký hợp đồng với người lao động ít nhất năm ngày trước khi người lao động xuất cảnh”. Tuy nhiên, theo như bản Hợp đồng công nhân cung cấp thì bản Hợp đồng này được ký trước 1 ngày bay sang Malaysia. Công nhân không có thời gian đế đọc các nội dung Hợp đồng, họ cũng không biết các quyền lợi, nghĩa vụ của mình sẽ phải thực hiện như thế nào trong thời gian ở Malaysia.
-Vi phạm về người ký kết Hợp đồng dịch vụ Xuất khẩu lao động: theo quy định tại khoản 3, Điều 16 Luật người lao động đi làm việc nước ngoài2006, thì Chi nhánh của Doanh nghiệp không được phép ký kết Hợp đồng dịch vụ xuất khẩu lao động với người lao động. Nhưng ở đây, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và xuất khẩu lao động lại là đại diện ký kết Hợp đồng với công nhân, mà không có căn cứ uỷ quyền từ Công ty COECCO.
– Các vi phạm trong thời gian Công nhân làm việc cho Spektra Alucast, Malaysia:
Theo quy định tại Điểm đ, K2, Điều 27 Luật người lao động ở nước ngoài, Công ty COECCO có trách nhiệm phải tổ chức, quản lý và bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của công nhân. Nhưng khi công nhân gặp khó khăn, bị chủ sử dụng lao động đối xử tồi tệ, không trả lương 4,5 tháng thì COECCO lại chối bỏ trách nhiệm này, không có động thái can thiệp để giúp đỡ cho công nhân.
Trong hơn 4 tháng làm việc vất vả, công nhân không hề được trả một đồng lương, chỗ ăn ở thì chật chội, không có nước sinh hoạt, phải đi xin nước nhờ hàng xóm để dùng qua ngày. Không có tiền để ăn tiêu, họ phải ra ngoài làm thêm mặc dù biết có thể sẽ bị cảnh sát bắt giam vì giấy tờ tùy thân đã bị chủ sử dụng lao động giữ. Bị lâm vào đường cùng khi nước sinh hoạt không xin được, không có tiền để mua đồ ăn, họ kêu cứu tới các cơ quan đại diện Việt Nam ở Malaysia, gọi điện về cho COECCO nhưng không ai giúp họ.
Sau khi nhờ sự giúp đỡ của CAMSA -Văn phòng Penang, các công nhân này đã được trả hết số lương còn thiếu trong 5 tháng.
Những vi phạm trên cho thấy COECCO rất vô trách nhiệm với công nhân. COECCO ký Hợp đồng dịch vụ với công nhân, lấy số tiền dịch vụ và các khoản chi phí khác, rồi bỏ mặc công nhân ở nơi đất khách, không thực hiện trách nhiệm của mình. Những vi phạm này cần phải lên án và xử lý nghiêm minh trước pháp luật.