CAMSA – ngày 27/7/2009
Công ty Cổ phần Than Ong Việt (V-COALIMEX)
Địa chỉ: Số 116, ngõ 88, đường Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Công ty V-COALIMEX là đầu mối trong đường dây buôn người từ Việt Nam sang Jordani. Cuối 2007 – đầu 2008, công ty này cùng với 02 công ty khác là LEAPRODEXIM và LETCO đã đưa tổng cộng 261 công nhân Việt, phần lớn nữ, đến làm việc tại hãng Sơn Hoa (W&D Apparel). Nơi đây các công nhân phải làm việc quần quật 16 tiếng một ngày; họ nhận lương rất thấp so với hợp đồng. Khi các công nhân phản đối, họ bị đánh đập tàn nhẫn rồi bỏ đói. Đồng thời nhân viên của công ty này gọi điện thoại đến cho gia đình của công nhân ở Việt Nam để hăm doạ và lăng mạ. Sau khi công nhân về nước, nhờ quốc tế can thiệp, họ đã yêu cầu V-COALIMEX hoàn trả phí dịch vụ vì lường gạt công nhân; thay vì hoàn trả tiền và bồi thường thiệt hại cho công nhân, V-COALIMEX đã dùng công an hăm doạ họ.
Dưới đây là các hành vi vi phạm pháp luật của Công ty V-COALIMEX đối với những công nhân Việt Nam làm việc tại Jordani:
1. Vi phạm pháp luật trước khi công nhân sang Jordani:
– Vi phạm về thời gian ký Hợp đồng dịch vụ Xuất khẩu lao động: Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 27 Luật người lao động ở nước ngoài 2006 và Điểm a Khoản 2 Mục V Thông tư 21/2007/BLĐTBXH thì thời gian muộn nhất ký kết Hợp đồng dịch vụ XKLĐ là 5 ngày trước ngày xuất cảnh. Nhưng ở đây, các công nhân được gọi đến trong đêm, yêu cầu ký Hợp đồng mà không được đọc nội dung; một số trường hợp khác thì ký trước giờ bay và sau đó tất cả các Hợp đồng này đều bị Công ty thu lại, công nhân không được giữ. Hành vi này không chỉ vi phạm quy định của Luật về người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà còn vi phạm các điều kiện cần thiết để một Hợp đồng có hiệu lực theo quy định tại Bộ Luật Dân Sự 2005. Hợp đồng là một thoả thuận, khế ước trong đó thể hiện ý chí và nguyện vọng của các bên tham gia. Tuy nhiên, công nhân ở đây phải ký vào một bản Hợp đồng với các nội dung do phía công ty đưa ra, không biết hết các nội dung ấy, không được ý kiến hay thể hiện sự đồng tình hay bắt đồng tình của mình. Điều này là trái luật, nên các Hợp đồng dịch vụ này coi như bị vô hiệu từ khi chúng được ký kết.
– Vi phạm về thời gian thu phí dịch vụ và môi giới: Theo quy định,các khoản phí này chỉ được thu sau khi Hợp đồng dịch vụ được ký kết nhưng thực tế thì hoàn toàn trái ngược. Các công nhân phải làm đơn vay Ngân hàng một khoản tiền để đi xuất khẩu lao động. Số tiền này được Ngân hàng chuyển trực tiếp sang tài khoản của Công ty. Sự việc này xảy ra một thời gian rất dài trước thời điểm ký kết Hợp đồng dịch vụ và xuất cảnh của công nhân. Nhân viên của công ty đã tìm cách thu giữ tất cả những hoá đơn chuyển khoản tiền dịch vụ, các khoản phí… của công nhân tại sân bay hòng phi tang hành vi vi phạm.
– Vi phạm về thời gian chờ xuất cảnh: Theo Điểm c, Khoản 1, Mục V Thông tư 21/2007/BLĐTBXH, Công ty có nghĩa vụ phải thông báo cho công nhân biết thời gian chờ xuất cảnh sau khi công nhân đã hoàn tất chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức. Nhưng trên thực tế công nhân đã bị hẹn đi hẹn lại nhiều lần thời điểm xuất cảnh. Và những trường hợp được gọi đi thì đều rất bất ngờ và thường vào ban đêm, ký Hợp đồng dịch vụ sau đó ra sân bay.
– Vi phạm quy định về nội dung Hợp đồng dịch vụ phải phù hợp với Hợp đồng cung ứng lao động đăng ký lên Bộ Lao động Thương binh Xã hội (Khoản 2 Điều 17 Luật người lao động Việt Nam ở nước ngoài 2006). Trong Hợp đồng cung ứng lao động ghi rõ chủ sử dụng lao động ứng trước số tiền vé máy bay lượt sang và trừ dần vào tiền lương của công nhân trong năm đầu tiên, mỗi tháng trừ 50USD. Nhưng các công ty đều thu của công nhân 9 triệu đồng (tương đương 600USD) và ghi trong Hợp đồng dịch vụ là tiền vé máy bay sang Jordani. Ngoài ra, các công nhân đều phải đóng số tiền 780.000VNĐ cho việc mua đồng phục, nhưng công ty đã không phát đồng phục cho họ.
2. Các vi phạm pháp luật trong thời gian công nhân làm việc tại Jordani:
– Theo Điểm đ, e và g, khoản 2, Điều 27 Luật người lao động đi làm việc ở nước ngoài 2006, các công ty dịch vụ XKLĐ có trách nhiệm tổ chức, quản lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động; phối hợp với bên nước ngoài để giải quyết các tranh chấp phát sinh liên quan đến người lao động; báo cáo và phối hợp với cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để quản lý và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên, công ty V-COALIMEX không những không thực hiện trách nhiệm kể trên của mình mà còn có những hành vi làm ảnh hưởng nghiêm trọng hơn các quyền lợi hợp pháp cho công nhân do mình đưa sang Jordani. Cụ thể:
– Công ty đã không can thiệp khi công nhân bị xâm hại sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm, nhất là sau khi bị nhân viên bảo vệ của Công Ty Sơn Hoa và cảnh sát Jordani hành hung, bị chủ sử dụng lao động ngăn cản không cho đi cấp cứu, và bị cắt giảm thực phẩm.
– Ngày 11/03/2008 đại diện của V-COALIMEX cùng phái đoàn liên ngành từ Việt Nam đến Jordani để gặp công nhân. Phái đoàn này không nghe công nhân của mình trình bày các sự việc mà còn mắng chửi họ và ép họ ký đơn xác nhận rằng họ tình nguyện xin hồi hương vì lý do sức khoẻ, nhằm ngụy tạo cơ sở pháp lý để các công ty có thể dễ dàng chối bỏ trách nhiệm với công nhân. Mặc dù họ đă gặp và biết rằng thực sự thì công nhân đã bị bóc lột, khủng bố, đánh đập, bỏ đói nên không thể tiếp tục ở lại làm việc cho Công Ty Sơn Hoa. Khi công nhân nhất quyết không ký đơn nói sai sự thật thì một nhân viên của V-COALIMEX đã hành hung 02 công nhân. Do trước đây bị cảnh sát Jordani đánh, hai chị ấy sức khoẻ còn rất yếu. Dù vậy phái đoàn liên ngành Việt Nam nhất định bắt hai chị ấy xuống họp tại nhà kho của công ty. Hai chị này đã ngất trong nhà kho vì quá nóng. Nhân viên bảo vệ do phái đoàn thuê đã đóng và chốt cửa không cho công nhân có lối thoát. Công nhân kêu gọi phái đoàn mở cửa cho về phòng. Đáp lại, cả phái đoàn đã đứng dang tay và dạng chân chắn cửa. Và chính nhân viên bảo vệ người Jordani đã mở cửa cho công nhân thoát ra. Và khi công nhân tháo chạy về ký túc xá thì bị những người trong phái đoàn nắm tóc, áo kéo lại. Hai người công nhân kể trên đã bị bất tỉnh, các chị em công nhân khác phải khênh họ về phòng.
– Trong thời gian đó, ở Việt Nam, nhân viên của Công ty V – COALIMEX đã gọi điện thoại đến gia đình của công nhân để hăm doạ, và vu khống rằng công nhân “bỏ trốn” và “đánh đĩ”, làm tổn hại danh dự của công nhân. Thậm chí có người khi về Việt Nam đã bị chồng con, gia đình ruồng rẫy vì tin vào sự vu khống này, do thông tin V-COALIMEX đưa ra.
3. Vi phạm pháp luật khi công nhân về nước
– Theo quy định, trong trường hợp công nhân về nước trước hạn Hợp đồng không phải do lỗi của công nhân, công ty phải hoàn trả cho công nhân tiền dịch vụ và tiền môi giới tương ứng với thời gian còn lại của Hợp đồng. Nhưng công ty V-COALIMEX đã không hoàn trả cho công nhân các khoản tiền này khi thanh lý Hợp đồng. Các công ty này cũng không hoàn trả tiền ký quỹ, cả gốc và lãi, cho công nhân theo quy định. Không những vậy V-COALIMEX còn đòi công nhân phải trả cho công ty 600 USD và cho chủ sử dụng lao động (Công Ty Sơn Hoa) 967.74 USD vì đã “vi phạm quy định tại điều 1 khoản 3 mục 7 của hợp đồng đưa người đi lao động tại Jordani”.
Căn cứ này hoàn toàn không có cơ sở bởi ngay từ khi ký kết Hợp đồng dịch vụ, giá trị hiệu lực của Hợp đồng đã không có. Hơn nữa, những hành vi xâm phạm quyền lợi hợp pháp của công nhân, sức khoẻ, tính mạng, danh dự của họ trong thời gian ở Jordani đã cho thấy việc họ về nước trước hạn hoàn toàn là hợp pháp, họ không có vi phạm Hợp đồng hay luật pháp mà họ là đối tượng bị vi phạm, họ bị biến thành nạn nhân của cưỡng bức lao động – hiện tượng của buôn người. Họ cần được pháp luật bảo vệ, Nhà nước Việt Nam bảo vệ.
(Thông tin từ CAMSA)