Thông tin từ VOVNews – ngày 17/02/2009.
Những con số giật mình
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Liên ngành Phòng chống buôn bán người (COMMIT) Việt Nam, tình hình buôn bán phụ nữ, trẻ em (BBPNTE) ở nước ta đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Từ năm 1998 – 2007, đã có trên 6.680 PNTE bị buôn bán; trên 21.000 PNTE vắng mặt lâu ngày nghi ngờ bị buôn bán ra nước ngoài; khoảng 177.000 phụ nữ kết hôn với nước ngoài… Đặc biệt, hiện tượng buôn bán người đang diễn biến phức tạp khi đã cơ quan chức năng phát hiện những vụ buôn bán nam giới, thậm chí có vụ tội phạm gạ mua cả trẻ còn trong bụng mẹ…
Thực tế cho thấy, các nạn nhân bị buôn bán thường sa vào “bẫy” bởi rất nhiều thủ đoạn của bọn tội phạm, song, chung nhất vẫn là việc hứa hẹn việc làm với mức lương cao như giúp việc nhà hoặc xuất khẩu lao động ở nước ngoài.
Thực tế qua các vụ án BBPNTE bị phát giác mà nạn nhân may mắn tự trốn thoát được hoặc được giải cứu cho thấy, trong các động mại dâm, họ bị cưỡng ép phục vụ tình dục cho những du khách nước ngoài hoặc những người đàn ông bản xứ. Trong các gia đình “vợ chồng hờ”, ngoài việc bị cưỡng bức tình dục, họ còn phải lao động quần quật ngày đêm. Nếu bất mãn, trái lời hoặc bỏ trốn, sẽ bị đánh đập thậm tệ… Điều đáng nói về tội phạm BBPNTE, là phần lớn vụ việc chỉ được phát giác sau khi nạn nhân trốn thoát hoặc được giải cứu, mà tỷ lệ số nạn nhân may mắn này rất nhỏ so so với con số thực tế.
Rung chuông cần kết hợp cao điểm
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tội phạm BBPNTE đang được xác định là một trong 4 nhóm tội phạm quan trọng nhất gồm: Cướp có vũ khí; ma tuý; BBPNTE; và tham nhũng. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng phải chặn đứng và làm giảm ngay loại tội phạm nguy hiểm này. Tuy nhiên, dù nhiều biện pháp đã được triển khai song hoạt động của tội phạm BBPNTE vẫn rất phức tạp, diễn ra trên mọi miền đất nước…
Tại sao lại tồn tại tình trạng đáng buồn này? Ngay từ năm 2003, khi chủ trì hội nghị bàn các giải pháp khắc phục tình trạng buôn bán PNTE với sự tham dự của 18 bộ, ủy ban liên quan và 142 đại diện 35 tỉnh thành trong cả nước, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã chỉ đạo: Chống tội phạm BBPNTE cần chú ý tới cái nền là phát triển đời sống kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, tới nay đã qua 5 năm, chúng ta đã làm được gì?
Tại các hội thảo chuyên đề, nhiều ý kiến đã thẳng thắn thừa nhận rằng, thời gian qua, việc phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành trong công tác phòng, chống BBPNTE chưa được thực sự chú trọng, công tác phòng ngừa đạt hiệu quả chưa cao. Việc “rung chuông” cảnh tỉnh, tức công tác truyền thông, chưa “ăn nhịp” với biện pháp trấn áp tội phạm. Các đợt cao điểm chống tội phạm chưa được mở thường xuyên, chưa có sự chung tay, góp sức của toàn bộ hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Để chặn đứng được vấn nạn này, bên cạnh việc “lấp đầy” các “khoảng trống” trên, các cơ quan chức năng cần có biện pháp làm chuyển biến cuộc sống của người dân ở những nơi đang là “điểm nóng” của nạn buôn người như vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới, nhất là khu vực miền Tây Nam bộ, các tỉnh biên giới phía Bắc… Bên cạnh đó, cần có biện pháp hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị lừa bán trở về; tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người nâng cao cảnh giác, phát hiện đối tượng, phối hợp với cơ quan chức năng; tiếp tục hoàn thiện, xây dựng hệ thống luật pháp, khắc phục các sơ hở trong các lĩnh vực xuất khẩu lao động, kết hôn với người nước ngoài; nâng cao công tác điều tra nắm tình hình, xử lý nghiêm minh bọn tội phạm và các tổ chức tội phạm BBPNTE, nhất là tổ chức xuyên quốc gia…
Trong đó, cốt lõi nhất là nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác này, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên để tăng cường chỉ đạo; gắn kết với các chương trình kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm để nâng cao đời sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo… Cuối cùng, công tác phòng chống BBPNTE phải triển khai đồng bộ, vừa chống vừa phòng ngừa, vừa “rung chuông”, vừa mạnh tay trấn áp. Có như vậy, tội phạm BBPNTE mới sớm được đẩy lùi.
Theo báo cáo của Công an Trung Quốc, hiện nay có khoảng 5.000-7.000 phụ nữ, trẻ em Việt Nam bị buôn bán và cư trú trái phép tại Trung Quốc. Theo báo cáo của Cảnh sát Campuchia, phụ nữ, trẻ em Việt Nam còn bị bán sang nước thứ ba như Thái Lan, Myanmar và vùng lãnh thổ Đài Loan