Thuyền viên trở về từ Đài Loan khiếu nại:
Sáng 26-3, một nhóm thuyền viên trở về từ Đài Loan (Trung Quốc) đã đến trụ sở chi nhánh Công ty cổ phần Thương mại tổng hợp Bà Rịa – Vũng Tàu (Getraco, thuộc UBND TP Vũng Tàu) tại TP.HCM để khiếu nại về việc bị nợ lương.
Anh Nguyễn Chí Thanh (ngụ xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết tháng 4-2007, một người tên Tình đến nhà hứa sẽ giúp đỡ anh một suất đi “hợp tác lao động” nước ngoài với mức lương cao. Anh Thanh đồng ý theo ông Tình vào TP.HCM làm thủ tục xuất cảnh. Cùng đi với anh Thanh còn có 30 ngư dân Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình…
Nợ lương dai dẳng
Vào đến TP.HCM, số ngư dân được đưa đến Trung tâm đào tạo cung ứng và xuất khẩu lao động – thuộc Công ty Getraco (gọi tắt Getraco, địa chỉ 17 Sông Thương, P.2, Q.Tân Bình) để ký hợp đồng làm thuê cho các chủ tàu đánh cá Đài Loan. Người ký hợp đồng với các thuyền viên là ông Trần Mạnh Lực, giám đốc trung tâm.
Theo tài liệu, các thuyền viên ký hợp đồng (3 năm) với mức lương 178 USD/tháng, được trả 2 lần/năm theo phương thức: công ty môi giới ở Đài Loan chuyển tiền về cho đối tác – Getraco, sau đó chi trả cho gia đình thuyền viên. Tuy nhiên, làm việc ròng rã 1-2 năm trời nhưng có người chỉ nhận được vài tháng lương và một ít tiền tiêu vặt. Anh Thanh cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi phải làm quần quật từ 20-22 tiếng đồng hồ trên tàu. 14 tháng trời ròng rã ngoài khơi nhưng công ty mới trả cho gia đình tôi 6,8 triệu đồng, chỉ bằng bốn tháng lương”.
Theo bảng lương của Getraco, tổng số tiền lương của anh Thanh hơn 29 triệu đồng. Sau khi trừ phí chuyển tiền (trên 110.000 đồng), phí dịch vụ XKLĐ (trên 3,6 triệu đồng), tiền đặt cọc gần 7,6 triệu đồng (sau khi thanh lý hợp đồng thuyền viên sẽ nhận lại số tiền này), số tiền thực nhận của anh Thanh là trên 17,7 triệu đồng. Tính ra, sau khi thanh lý hợp đồng, phía Getraco còn nợ anh Thanh 25,3 triệu đồng (cả tiền đặt cọc).
Trong khi đó, thuyền viên Cao Xuân Hùng làm 27 tháng (từ 20-10-2006 đến 26-1-2009) với mức lương 165 USD/tháng. Sau khi trừ 20 USD tiêu vặt, 10 USD bảo hiểm, anh Hùng còn nhận 135 USD/tháng. Chuyến đầu đi 11 tháng gia đình anh Hùng nhận 17 triệu đồng (tương đương 10 tháng lương). Chuyến thứ 2 đi hơn 16 tháng nhưng chẳng nhận thêm đồng nào. Anh Hùng đến công ty môi giới XKLĐ ở Đài Loan (đối tác của Getraco) để khiếu nại thì công ty này nói đã gửi lương về cho Getraco.
Hai thuyền viên Mai Xuân Khánh và Mai Thành Tín (ngụ Hà Tĩnh) lăn lộn 14 tháng ngoài khơi nhưng cũng chỉ nhận mỗi người 6,8 triệu đồng. Số tiền phía Getraco còn nợ anh Khánh và anh Tín trên 21 triệu đồng/người đến nay vẫn chưa trả.
Có dấu hiệu chiếm dụng tiền lương của thuyền viên
Theo tài liệu, ngày 28-8-2008, các thuyền viên được chủ tàu cho về nước và hẹn sẽ gọi trở lại làm việc (có biên bản xác nhận của chủ tàu và Getraco). Căn cứ hợp đồng, sau 90 ngày, kể từ ngày thuyền viên về nước mà phía chủ tàu không gọi trở lại làm việc thì đề nghị Getraco thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, từ khi về nước đến nay đã 6 tháng trôi qua nhưng các thuyền viên vẫn không được gọi trở lại làm việc. Các thuyền viên tìm đến Công ty Getraco (trụ sở chính tại TP Vũng Tàu) khiếu nại thì ở đây chỉ ngược lên chi nhánh công ty ở TP.HCM (26 Nguyễn Thị Huỳnh, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Tại đây, một vị lãnh đạo Công ty Getraco cho rằng tiền lương của thuyền viên đã được công ty môi giới Đài Loan gửi vào tài khoản cá nhân ông Lực. Do đó, ông Lực là người chịu trách nhiệm việc trả lương cho thuyền viên.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Quang Nga, phó tổng giám đốc Công ty Getraco, cho biết đã có trên 10 lao động đến khiếu nại về việc Getraco nợ tiền lương. Qua kiểm tra sơ bộ sổ sách kế toán cho thấy Getraco còn nợ lương của khoảng 30 thuyền viên, trong đó ít nhất là vài triệu cho đến trên 20 triệu đồng/người. Ông Nga cho biết công ty cũng đã yêu cầu ông Lực giải trình về việc này.
Chiều 27-3, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Ngọc Trinh, tổng giám đốc Công ty Getraco, cho biết theo lịch thì sáng 26-3 ông Trinh và đại diện Phòng an ninh kinh tế Công an Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ có buổi làm việc với ông Lực để làm rõ các vấn đề liên quan đến tiền lương của các thuyền viên nhưng ông Lực vắng mặt. Ông Trinh nói: “Qua kiểm tra đã thấy có dấu hiệu ông Lực chiếm dụng tiền lương của một số thuyền viên. Nếu mời thêm một lần nữa mà ông Lực vẫn không có mặt thì công ty sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đề nghị làm rõ”.
Luật sư Trương Xuân Tám, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết các thuyền viên có thể kiện Getraco ra tòa theo trình tự thủ tục của vụ án tranh chấp lao động. Tòa án căn cứ vào hợp đồng để buộc Getraco thanh toán tiền lương và các chế độ theo thỏa thuận tương ứng thời gian thực tế làm việc.
(Theo Tuổi trẻ)