Thông tin từ website Diễn đàn Trách nhiệm xã hội Việt Nam – ngày 12/01/2009.
Mới đây, sự trở về đoàn tụ gia đình của những phụ nữ sau nhiều năm bị lừa bán ra nước ngoài đã góp phần giúp cơ quan điều tra phát hiện, triệt phá nhiều đường dây buôn bán phụ nữ, trẻ em (PNTE) đang tồn tại trong cộng đồng. Theo các cơ quan chức năng, trên toàn quốc, mỗi ngày xảy ra từ 2-3 vụ buôn bán PNTE.
Qua quá trình khảo sát tình trạng buôn bán PNTE của các địa phương, có khoảng 22.000 PNTE có biểu hiện nghi bị buôn bán. Số PNTE được xác định trên đã bỏ nhà, đi khỏi địa phương nhiều năm, hiện không xác định được ở đâu, làm gì, mất liên lạc hoàn toàn với gia đình. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng xác định được, hiện cả nước có khoảng 235 đường dây với khoảng gần 700 đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán PNTE.
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội – Bộ Công an thì số lượng PNTE bị buôn bán ngày càng tăng. Tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm liên quan đến PNTE ngày càng tinh vi, phức tạp, có tổ chức chặt chẽ và xuyên quốc gia. Bọn buôn người thường lợi dụng các cô gái nhẹ dạ bằng các chiêu lừa như giả tìm việc làm, vờ yêu, rủ đi du lịch,… rồi bán họ cho các nhà chứa. Không dừng lại việc buôn bán PNTE hiện nay còn xuất hiện một thủ đoạn hết sức nguy hiểm và dã man của bọn buôn người là “buôn bán cả thai nhi”. Tức là các đối tượng “ngắm” đến những người phụ nữ mang thai nhưng có hoàn cảnh đặc biệt hoặc éo le. Chúng tiếp cận người phụ nữ, dùng thủ đoạn để mua chuộc, thậm chí ép buộc họ phải bán con ngay từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ.
Nhưng trên thực tế, bọn chúng lại bị xử lý rất ít, bởi nạn nhân sau khi bị lừa bán không thể có điều kiện tố cáo hành vi phạm tội của bọn chúng với cơ quan công an. Bà Nguyễn Thị Ngọc Ngà là một cán bộ có thâm niên của Hội LHPN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Vĩnh Phúc cũng là một trong những tỉnh có số lượng PNTE bỏ nhà, đi khỏi địa phương, không biết ở đâu, làm gì và nhiều năm không liên lạc với gia đình, nghi là đối tượng của bọn tội phạm “buôn người”. Theo tôi, trách nhiệm này có phần thuộc về chính quyền cơ sở trong việc quản lý nhân, hộ khẩu chưa tốt. Còn người dân thì ý thức phòng ngừa tội phạm rất kém. Một lý do khác nữa là hình phạt đối với loại tội phạm này, theo tôi còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Có những kẻ bị phạt nhiều lần nhưng vẫn tái phạm. Các nhà làm luật nên xem xét lại hành vi của loại tội này để có thể bổ sung, sửa đổi hình phạt nặng hơn để tính giáo dục và răn đe đạt hiệu qủa.