Tel:84-4-8723511– Fax:84-4-8722653 – 19/1/2007
Địa chỉ : Số 158 đường Nguyễn Văn Cừ – quận Long Biên – Tp. Hà Nội – Việt Nam
LTS: Công ty Nhân lực và Thương mại quốc tế -INTRACO (gọi tắt là Công ty INTRACO) ký kết Hợp đồng cung ứng lao động với Công ty Twin Advance(M) SDN.BHD Malaysia đưa khoảng 30 người công nhân Việt Nam sang đây làm việc. Vào giữa năm 2008, khi có mâu thuẫn xảy ra giữa những người công nhân này và Công ty Twin Advance, qua nghiên cứu hồ sơ và các sự việc thực tế, Liên minh Camsa phát hiện ra hàng loạt các vi phạm quy định pháp luật của Công ty INTRACO.
1. Các vi phạm từ Hợp đồng dịch vụ ký kết với công nhân:
Thời gian ký kết Hợp đồng dịch vụ: theo quy định của Luật người lao động đi làm việc ở nước ngoài 2006 và các văn bản hướng dẫn, thời gian ký kết phải ít nhất là 5 ngày trước ngày xuất cảnh nhưng theo ngày ký trên các Hợp đồng dịch vụ và lời kể của các công nhân này thì Hợp đồng được ký trước 1 ngày xuất cảnh.
Tiền dịch vụ và tiền phí môi giới: theo quy định chỉ được thu sau khi ký Hợp đồng nhưng trong các hóa đơn chuyển tiền thì các khỏan tiền trên và các tiền phí khác đều được chuyển vào tài khỏan của Công ty INTRACO từ trước đó khoảng 15 ngày.
Tiền dịch vụ cho thời gian gia hạn sau khi Hợp đồng hết thời hạn 3 năm: theo quy định thì Công ty INTRACO không được quyền thu khỏan tiền dịch vụ cho thời gian này, nhưng trong Hợp đồng dịch vụ vẫn quy định rất cụ thể phí dịch vụ là 87USD/năm gia hạn.
Các khỏan phí môi giới không được ghi trong Hợp đồng như quy định tại Điều 27 khỏan 2 Luật người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngòai.
Điều khỏan về nội dung chấm dứt Hợp đồng trước thời hạn có tính chất gây bất lợi cho công nhân Việt Nam: trong Hợp đồng ghi rằng: ” trong các trường hợp sau, Doanh nghiệp (tức Công ty INTRACO) hoặc CSDLĐ (tức Twin Advance) có thể chấm dứt Hợp đồng lao động trước thời hạn, buộc NLĐ phải về nước, NLĐ chịu mọi chi phí, bồi thường thiệt hại”. Trước hết, nội dung này cho thấy Công ty INTRACO đã tự cho mình quyền chấm dứt Hợp đồng lao động được công nhân Việt Nam ký kết với Twin Advance là một điều bất hợp lý. Công ty INTRACO là một công ty dịch vụ xuất khẩu lao động, thực hiện việc đưa công nhân Việt nam ra nước ngoài làm việc để thu tiền dịch vụ, Công ty INTRACO có trách nhiệm, nghĩa vụ phải bảo vệ quyền lợi cho công nhân Việt Nam – khách hàng của mình. Điều này được quy định trong các văn bản pháp luật. Khi Công ty INTRACO đưa ra điều khỏan Hợp đồng như trên, cho thấy công ty INTRACO cố tìm mọi cách để hạn chế các tổn thất cho mình khi có bất kỳ rủi ro nào xảy ra cho người lao động Việt Nam.
2. Các vi phạm về trách nhiệm của Công ty INTRACO đối với công nhân Việt Nam làm việc cho Twin Advance – Malaysia:
Giữa năm 2007, Công ty Twin Advance bắt đầu có hành vi trả tiền lương thiếu cho công nhân Việt Nam. Công nhân đã nhiều lần kiến nghị nhưng công ty không có ý kiến trả lời. Công nhân cũng gọi điện về cho Công ty INTRACO để nhờ công ty giúp đỡ, nhưng công ty không có động thái nào giúp cho họ. Tình hình trên diễn ra đến tháng 5/2008, hầu hết mọi người bị cắt lương vì những lý do vô lý. Những người công nhân này tập hợp lại để gặp Tổng giám đốc công ty Twin Advance yêu cầu làm rõ. Nhưng Tổng giám đốc không ra gặp và gọi cảnh sát đến đe dọa họ.
Sáng ngày hôm sau, tức ngày mung 9/5/2008, Công ty Twin Advance dán thông báo trước cổng ký túc xá danh sách 39 người đã yêu cầu gặp Tổng giám đốc hôm trước không được đi làm. Họ gọi điện về cho Công ty INTRACO nhưng công ty không trả lời. Sau đó họ phải cầu cứu tới gia đình, gia đình lên gặp Công ty INTRACO thì công ty này mới hẹn là sẽ cho người sang xem xét tình hình. Trong thời gian này, công ty Twin Advance đã trục xuất 5 người công nhân về nước không có lý do.
Ngày 20/5/2008. 2 người đại diện của công ty INTRACO sang gặp những người công nhân này, họ nghe trình bày sự việc rồi nói là quay trở lại sau. Sau đó họ có quay lại ký túc xá nói với công nhân rằng công ty Twin Advance đồng ý cho công nhân đi làm trở lại nhưng công nhân yêu cầu phải có bản cam kết sẽ công ty không vi phạm việc thiếu tiền lương. Hai người đại diện nghe thế thì quát công nhân, cho rằng công nhân đòi hỏi, có công việc là tốt, cứ đi làm rồi lấy tiền để đình công. Sau đó họ có nói là sẽ trả lời vào ngày 23/5 nhưng từ đó họ không quay lại gặp công nhân nữa. Họ cũng không có biện pháp nào để giúp công nhân mặc dù biết công nhân bị nhốt trong ký túc xá, không có tiền, bị cắt nước sinh hoạt, không có thức ăn.
Nhờ sự giúp đỡ của Camsa và Văn phòng đại diện cho tổ chức Tenaganita tại Penang, Malaysia, những người công nhân này đã liên hệ được với Sở quan hệ Công nghiệp Penang để nhờ giúp đỡ. Sở này đã cử người xuống gặp công nhân, lấy các thông tin để xem xét sự việc.
Vào lúc 8h tối 16/7/2008, 2 người đại diện của công ty INTRACO đi cùng 1 ngưồi trong Ban Quản lý lao động Việt Nam ở Malaysia và ông Tổng giám đốc công ty Twin Advance đã đến ký túc xá gặp công nhân. Những người này ép công nhân phải ký vào giấy cam kết không được đòi công ty Twin Advance trả số tiền lương thiếu. Nhưng công nhân nhất định không ý. Những ngưồi này đưa ra những lời đe dọa công nhân và ra về.
Ngày 24/7/2008, Sở Quan hệ Công nghiệp Penang yêu cầu công nhân và Công ty Twin Advance tham gia buổi hòa giải tranh chấp. Khi ra tòa, Công ty Twin Advance cho rằng họ không phải trả số tiền lương đã thiếu của công nhân với lý do Nhân viên Ban quản lý lao động Việt Nam đã thay mặt công nhân thỏa thuận với Công ty Twin Advance sẽ không đòi số tiền đó. Điều này khiến công nhân vô cùng sửng sốt bởi họ không hề ủy quyền đại diện cho nhân viên Ban Quản lý lao động làm việc đi ngược lại với quyền lợi của mình như vậy. Buổi hòa giải kết thúc không mang lại kết quả khả quan cho công nhân.
Tuy nhiên, vào buổi hòa giải lần 2, ngày 7/8/2008, sau khi xác nhận việc công nhân không ủy quyền cho Ban quản lý lao động Việt Nam, sau khi xem xét sự việc, Sở Quan hệ công nghiệp Penang đã xác định công nhân bị cấm đi làm, có nhiều người bị sa thải và trục xuất trái pháp luật, hòan tòan không phải do lỗi của công nhân. Công ty Twin Advance đã có hành động trái pháp luật Malaysia.
Theo quy định của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngòai năm 2006, Công ty INTRACO có trách nhiệm phải: “Tổ chức quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động do doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngòai”; ” Phối hợp với bên nước ngoài giải quyết các vấn đề phát sinh khi người lao động chết, bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, bị bệnh nghề nghiệp, bị xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và giải quyết tranh chấp liên quan đến người lao động”… Nhưng theo những sự kiện đã xảy ra đối với công nhân Việt Nam và việc làm của công ty INTRACO ở trên, đã cho thấy công ty INTRACO không đứng về phía công nhân để bảo vệ cho các quyền và lợi ích hợp pháp cho công nhân. Công ty INTRACO đã không thực hiện đúng các trách nhiệm và nghĩa vụ của mình như luật đã quy định và Hợp đồng dịch vụ đã ghi nhận.
(Thông tin từ Liên minh Camsa)
()