Những điều cần biết khi công ty – nơi bạn làm việc lâm vào tình trạng khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.
Tình trạng suy thoái kinh tế và những hậu quả không phủ nhận của nó đến hầu hết mọi quốc gia, tổ chức và cá nhân. Một nguy cơ nhận thấy rõ ràng là điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới việc làm, đời sống của những công nhân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài. Đó là tình trạng công ty sử dụng lao động bị phá sản, công nhân bị sa thải và về nước trước hạn Hợp đồng… Luật pháp và các giải pháp bảo vệ kịp thời là những công cụ hết sức quan trọng công nhân cần biết. Bản hướng dẫn dưới đây được xây dựng nhằm giúp cho các bạn công nhân nắm bắt nội dung của những công cụ đó một cách hiệu quả để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
1. Cơ sở pháp lý để đòi hỏi quyền lợi của người lao động là gì?
– Các quy định pháp luật của Việt Nam; của nước tiếp nhận và các thoả thuận song phương giữa 2 quốc gia; Luật Quốc tế là những cơ sở pháp lý quan trọng bảo vệ quyền lợi của người lao động.
– Ngoài ra, thoả thuận giữa người lao động với công ty dịch vụ XKLĐ ở Việt Nam; công ty sử dụng lao động ở nước tiếp nhận (gọi là Hợp đồng) cũng là một cơ sở pháp lý rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi của công nhân.
+ Hợp đồng người lao động ký với công ty dịch vụ XKLĐ ở Việt Nam gọi là Hợp đồng dịch vụ đưa người lao động đi làm việc nước ngoài – quy định quyền và nghĩa vụ của công ty dịch vụ XKLĐ và người lao động từ thời gian người lao động bắt đầu thực hiện các thủ tục đi lao động; trong quá trình người lao động làm việc ở nước ngoài và sau khi người lao động về nước (đúng hạn Hợp đồng hay trước hạn Hợp đồng).
+ Hợp đồng người lao động ký với công ty sử dụng lao động hoặc công ty môi giới của nước tiếp nhận gọi là Hợp đồng lao động – quy định quyền và nghĩa vụ của công ty sử dụng lao động và người lao động trong quá trình người lao động làm việc ở nước ngoài.
2. Trách nhiệm của Công ty dịch vụ XKLĐ Việt Nam đối với người lao động được thể hiện như thế nào?
– Trách nhiệm trước khi người lao động đi làm việc ở nước ngoài:
+ Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, giáo dục định hướng cho người lao động theo Chương trình của Bộ lao động thương binh xã hội;
+ Thu phí dịch vụ, phí môi giới và các chi phí hợp lý để làm các thủ tục cho người lao động ra nước ngoài. Không được thu phí tuyển chọn người lao động.
+ Ký Hợp đồng dịch vụ với người lao động trước 5 ngày xuất cảnh.
– Trách nhiệm trong thời gian người lao động làm việc ở nước ngoài:
+ Tổ chức quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động do doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài;
+ Báo cáo và phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài quản lý và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
– Trách nhiệm khi người lao động về nước:
+ Người lao động về nước trước hạn vì lý do bất khả kháng (trường hợp công ty sử dụng lâm vào tình trạng phá sản cũng được coi là 1 lý do bất khả kháng): thanh lý Hợp đồng và giải quyết các quyền lợi cho người lao động theo luật Việt Nam (sẽ được trình bày cụ thể trong phần tiếp theo).
3. Những quyền lợi người lao động được hưởng nếu công ty sử dụng lao động lâm vào tình trạng phá sản?
3.1. Đài Loan
a) Chuyển nhà máy, xí nghiệp, công trường (dưới đây gọi chung là chuyển chỗ làm việc): Người lao động có quyền đăng ký tìm chỗ làm việc mới và không bị hạn chế số lần chuyển chỗ làm việc. Trong thời gian người lao động chờ chuyển chỗ làm việc mới, người sử dụng lao động cũ có trách nhiệm cung cấp ăn, ở cho người lao động. Trong thời gian 60 ngày mà người lao động không tìm được người sử dụng lao động mới tiếp nhận thì phải về nước. Trong trường hợp này, người sử dụng lao động cũ không có trách nhiệm phải mua vé máy bay cho người lao động về nước và bồi thường hợp đồng theo quy định.
b) Về nước: Trường hợp người lao động không tìm người sử dụng lao động mới và tự nguyện về nước thì người sử dụng lao động phải cung cấp vé máy bay về nước và bồi thường cho người lao động 1 tháng lương cơ bản theo hợp đồng/một năm làm việc. Trường hợp người lao động làm việc chưa đủ 02 tháng thì không được nhận tiền bồi thường này.
3.2. Nhật Bản
a) Chuyển chỗ làm việc:
– Đối với lao động là kỹ sư hoặc lao động kỹ thuật cao: Chủ sử dụng phải thông báo trước 01 tháng cho người lao động để người lao động tìm việc làm khác.
– Đối với người lao động là tu nghiệp sinh và thực tập sinh: Nghiệp đoàn làm thủ tục thông báo với Cục quản lý xuất nhập cảnh địa phương đồng thời tiến hành tìm trong nghiệp đoàn xí nghiệp tiếp nhận khác có cùng ngành nghề để đề nghị tiếp nhận người lao động. Nếu có xí nghiệp mới tiếp nhận, nghiệp đoàn có trách nhiệm làm thủ tục chuyển người đến tu nghiệp/thực tập kỹ thuật tại xí nghiệp mới. Trong thời gian chờ đợi xí nghiệp mới tiếp nhận, nghiệp đoàn (hoặc xí nghiệp cũ) có trách nhiệm bố trí nơi ăn, ở cho người lao động cho đến khi tìm được việc làm mới hoặc về nước trước khi hết hạn VISA.
b) Về nước: Đối với người lao động không chuyển được sang xí nghiệp khác phải về nước, chủ sử dụng phải mua vé máy bay và đền bù 01 tháng tiền lương/trợ cấp cơ bản và giải quyết chế độ bảo hiểm (nếu có) cho người lao động.
3.3. Hàn Quốc
a) Chuyển chỗ làm việc: Người lao động (tu nghiệp sinh) được các Trung tâm hỗ trợ tuyển dụng lao động nước ngoài (thuộc Bộ Lao động Hàn Quốc) đăng ký và giới thiệu việc làm mới. Trong thời gian 02 tháng, nếu người lao động (tu nghiệp sinh) không có chủ sử dụng mới tiếp nhận thì phải về nước. Trong quá trình làm việc, người lao động nước ngoài được chuyển chủ sử dụng không quá 3 lần.
b) Về nước: Trường hợp người lao động/tu nghiệp sinh phải về nước thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường cho người lao động 01 tháng lương cơ bản/năm làm việc. Người lao động/tu nghiệp sinh làm việc chưa đủ 01 năm thì không được bồi thường. Tiền vé máy bay về nước giải quyết như sau:
– Đối với lao động EPS: tiền vé máy bay được trích từ tiền bảo hiểm hồi hương người lao động đã nộp ngay sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc.
– Đối với tu nghiệp sinh (theo chương trình tu nghiệp sinh trước đây): người lao động tự chi trả tiền vé máy bay.
3.4. Malaysia
a) Chuyển chỗ làm việc
– Đối với người lao động sang làm việc thông qua Công ty out-sourcing khi bị mất việc làm thì Công ty out-sourcing có trách nhiệm chuyển người lao động sang làm việc tại chỗ làm việc mới, trong thời gian chờ việc làm mới Công ty out-sourcing có trách nhiệm trả người lao động 500RM/tháng. Lao động này không bị hạn chế số lần chuyển chỗ làm việc.
– Đối với người lao động sang làm việc không thông qua Công ty out-sourcing thì khả năng chuyển chủ mới khó khăn hơn do thủ tục phức tạp. Trong trường hợp này, người lao động có thể được chuyển sang Công ty out-sourcing để tìm việc làm mới.
b) Về nước
Trường hợp người lao động không chuyển được sang chủ sử dụng mới thì phải về nước và được chủ sử dụng chi trả tiền vé máy bay về nước, bồi thường 02 tuần lương cơ bản cho mỗi năm làm việc. Tuy nhiên, trên thực tế các doanh nghiệp thường đàm phán được với chủ sử dụng để người lao động thường được đền bù 1 tháng lương cơ bản cho 1 năm làm việc. Do vậy, để người lao động được giải quyết với quyền lợi cao hơn, các doanh nghiệp phải đàm phán với đối tác để giải quyết sao cho quyền lợi của người lao động được giải quyết hợp lý.
3.5. UAE
a) Chuyển chỗ làm việc
Việc chuyển chỗ làm việc ở UAE được quy định khá chặt chẽ và phức tạp phụ thuộc vào trình độ và thời gian làm việc. Lao động phổ thông ít có cơ hội chuyển chỗ làm việc.
Trường hợp công ty phá sản, bị thu hồi giấy phép, chuyển sang chủ khác, sát nhập, vốn của công ty bán cho công ty khác, hoặc người sử dụng lao động bị chết dẫn đến công ty đóng cửa hoặc chia tách cho những người thừa kế: Người lao động được miễn điều kiện về trình độ và thời gian làm việc để được chuyển chủ nhưng phải đáp ứng điều kiện sau:
– Phải được chủ sử dụng cũ cấp Giấy không phản đối NOC (Non-objection Cerfiticate)
– Phải đóng phí chuyển chủ. Phí này thường do chủ sử dụng mới chịu.
Tuy nhiên theo thông tin từ Ban Quản lý lao động ta tại UAE thì việc xin NOC của chủ cũ cũng không dễ. Vì điều này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, tên tuổi của chủ sử dụng, trong khi pháp luật UAE cũng không bắt buộc chủ sử dụng phải cấp NOC cho nhân viên bị sa thải. Do lao động của ta chủ yếu là lao động xây dựng và chưa tốt nghiệp phổ thông trung học nên cơ hội chuyển đổi công việc khi bị sa thải là rất ít .
b) Về nước: Người lao động về nước được chủ sử dụng chi trả tiền vé máy bay về; và trợ cấp 01 tháng lương cơ bản theo hợp đồng đối với lao động làm việc dưới 12 tháng, trợ cấp 02 tháng lương đối với lao động làm việc trên 01 năm hoặc lao động có tay nghề (đốc công, kỹ sư) làm việc dưới một năm.
3.6. Cộng hoà Séc:
a) Chuyển chỗ làm việc: Không có quy định hạn chế số lần chuyển chủ, nhưng mỗi lần chuyển chủ mới phải xin giấy phép lao động của địa phương nơi chuyển tới làm việc.
b) Về nước: Người lao động bị mất việc làm trước khi kết thúc hợp đồng (hợp đồng tối đa là 1 năm) thì chủ sử dụng phải bồi thường cho người lao động 3 tháng lương. Việc giải quyết quyền lợi của người lao động căn cứ vào pháp luật và hợp đồng chủ sử dụng ký với người lao động. Tuy nhiên, theo Ban Quản lý lao động tại Cộng hoà Séc, nếu hợp đồng của doanh nghiệp ký với đối tác có những điều khoản khác có lợi hơn cho người lao động cũng có thể đàm phán để được giải quyết theo điều khoản đó.
3.7. Trách nhiệm của Doanh nghiệp dịch vụ và Chính Phủ Việt Nam?
Doanh nghiệp dịch vụ XKLĐ Việt Nam: trả tiền dịch vụ (tương đương với những tháng còn lại trong thời hạn Hợp đồng); tiền môi giới (đối với những trường hợp làm chưa đến 50% thời gian Hợp đồng); tiền ký quỹ. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm các quy định pháp luật, dẫn đến gây ra thiệt hại cho người lao động.
Chính sách của Chính phủ Việt Nam: hiện có Quỹ hỗ trợ người lao động làm việc ở nước ngoài; Quỹ bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài là 2 loại quỹ hướng tới đối tượng là người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài; Ngoài ra, những chính sách hỗ trợ như xoá nợ vay ngân hàng cho các đối tượng người lao động vùng miền núi, hộ nghèo…
4. Các công nhân cần làm gì khi công ty đang làm việc rơi vào khó khăn?
– Đoàn kết giữa các công nhân trong công ty phá sản là 1 điều kiện kiên quyết để bảo vệ quyền lợi cho mỗi công nhân.
– Giữ gìn và thu thập toàn bộ giấy tờ liên quan đến việc đi làm việc ở nước ngoài, bao gồm: thông báo đi làm việc ở nước ngoài của công ty dịch vụ XKLĐ; các hoá đơn, chứng từ về việc mình đã nộp tiền cho công ty dịch vụ XKLĐ; Hợp đồng tín dụng vay ngân hàng (nếu có); Hợp đồng dịch vụ XKLĐ ký với công ty dịch vụ XKLĐ; Hợp đồng lao động ký với công ty sử dụng lao động; bảng lương hàng tháng nhận được từ công ty (hoặc giấy trả lương).
– Liên lạc với công ty dịch vụ XKLĐ ở Việt Nam để nhờ giúp đỡ; trong trường hợp không liên lạc bằng điện thoại được thì gửi thư, đơn kiến nghị về cho công ty dịch vụ XKLĐ (lưu ý cần soạn 2 bản và giữ lại 1 bản gốc).
– Liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam, Ban quản lý lao động ở nước sở tại để yêu cầu sự giúp đỡ (nên làm đơn kiến nghị tập thể và cũng giữ lại 1 bản gốc).
– Liên lạc với Camsa
Hotline: 012-4643497
04- 2294413
Address: 18 Jalan Westlands, 10400 Penang,Malaysia.