Thông cáo báo chí của Action Aid Việt Nam – ngày 27/09/2006
Buôn bán phụ nữ và trẻ em là một vấn đề quyền con người có liên quan đến di cư và tập quán trọng nam khinh nữ
Ngày 27/9/2006 tại Hà Nội, Action Aid Việt Nam (AAV) – một tổ chức phi chính phủ quốc tế tại Việt Nam đã công bố “Báo cáo tổng hợp về buôn bán phụ nữ và trẻ em Việt Nam”.
Nghiên cứu này do AAV tiến hành tại một số tỉnh miền Nam Việt Nam, Trung Quốc, Cam-pu-chia và Đài Loan cho thấy nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em thường diễn ra trong bối cảnh di cư đang ngày càng trở nên phổ biến. Rất nhiều phụ nữ biết rõ những nguy cơ do việc di cư mang lại song vẫn quyết định ra đi và trở thành những đối tượng rất dễ bị tổn thương và bị buôn bán.
Điều quan trọng là cần phải hiểu rằng rất nhiều phụ nữ tự quyết định việc ra đi, do đó các can thiệp cần được thực hiện ngay từ trước khi họ rời quê hương và tại điểm đến của họ, từ đó giúp họ hiểu và lên tiếng yêu cầu các quyền cơ bản mà họ được hưởng, phát biểu của Giám đốc Quốc gia AAV.
Nghiên cứu này là hoạt động đầu tiên của một dự án 3 năm trong tiểu vùng Mekong Dự án đấu tranh chống buôn bán phụ nữ và trẻ em Việt Nam qua biên giới nhằm hiểu rõ hơn các tình huống mà phụ nữ thường phải đối mặt trước khi ra đi, tại những điểm họ đến và khi họ trở về. Sáng kiến này bắt nguồn từ phát hiện của AAV rằng hầu hết các can thiệp cấp quốc gia và khu vực đối với nạn buôn bán người hiện nay đều tập trung vào các hoạt động ngăn chặn và tái hòa nhập, trong khi thiếu vắng các can thiệp tại ngay những điểm đến của các phụ nữ di cư.
Báo cáo nêu rõ nạn buôn bán người có liên quan đến 6 yếu tố chủ yếu sau đây: (i) tình trạng nghèo đói và thiếu vắng các cơ hội, (ii) năng lực của bản thân người phụ nữ (khả năng quyết định vấn đề), (iii) thiếu các cơ chế chính phủ và phi chính phủ để xúc tiến di cư an toàn, (iv) các hình thức di cư bất hợp pháp gây nên tình trạng buôn người, (v) sự phân biệt đối xử về giới như việc phụ nữ ít được tiếp cận với giáo dục, công ăn việc làm và các cơ cấu quyền lực; và (vi) cơ chế trọng nam khinh nữ gây mất cân bằng quyền lực giữa nam và nữ, mất cân bằng giới tính, đặc biệt là ở Trung Quốc và Đài Loan.
Các nghiên cứu cụ thể tại các nước khác nhau nhận thấy điều kiện sinh sống của phụ nữ bị buôn bán ở các nước này vô cùng khác biệt. Những gì họ đã trải qua và số tiền họ kiếm được để gửi về cho gia đình mang tính quyết định đến cảm nhận của họ về tình trạng hiện tại của mình.
Tại Trung Quốc, phụ nữ thường bị bán khi đã bị lừa gạt rằng sẽ kiếm được việc làm. Họ bị buộc phải kết hôn hoặc bị bán vào nhà chứa. Một số phụ nữ đã sinh con và đành chọn con đường ở lại nơi đất khách quê người với người “chồng” Trung Quốc cho dù điều kiện sống hết sức khó khăn.
Một số khác thì bị bán đi bán lại cho các nhà chứa khác nhau và họ luôn mong muốn có thể trốn thoát khỏi những nơi này. Rất nhiều phụ nữ đã bị ép phải bán thân đã bị đưa vào các trung tâm cải tạo sau khi Chính quyền Trung quốc mở đợt truy quét các nhà chứa. Rất nhiều người đã không thể trở về Việt Nam vì họ không muốn khai báo tên tuổi quê quán thật của họ để được xác minh trước khi trao trả.
Ở Cam-pu-chia, nghiên cứu tập trung vào những phụ nữ Việt Nam hiện đang hành nghề mại dâm tại đây. Hơn một nửa số phụ nữ được phỏng vấn cho biết họ đã bị lừa gạt vào con đường mại dâm bởi chính bạn bè hoặc người thân trong gia đình. Có sự khác biệt đáng kể giữa những phụ nữ hoạt động mại dâm trực tiếp và gián tiếp. Những phụ nữ hoạt động mại dâm trực tiếp thường có ít tự do hơn và bị lạm dụng nhiều hơn, do đó mong muôn hồi hương của họ cũng lớn hơn. Còn những phụ nữ tham gia hoạt động mại dâm gián tiếp thường không muốn trở về Việt Nam vì ở đây thu nhập của họ khá hơn so với ở quê nhà.
Ở Đài Loan, rất nhiều phụ nữ đã tới đây dưới hình thức cô dâu đi lấy chồng, giúp việc nhà, chăm sóc người già hoặc bảo mẫu. Họ có thể nhập cảnh Đài Loan một cách hợp pháp như là cô dâu hoặc công nhân, nhưng một số cũng đã bị lừa bán vào nhà chứa hoặc trở thành những cô dâu bị cưỡng ép.
Tại Đài Loan, mức độ hài lòng hay mức độ bị lạm dụng và bóc lột phụ thuộc nhiều vào loại hình công việc mà người phụ nữ đang làm cũng như cách mà người phụ nữ lựa chọn để đến được Đài Loan. Những phụ nữ được mai mối qua sự giới thiệu của bạn bè hay họ hàng thường cảm thấy dễ chịu hơn là những ai phải trải qua những cuộc tuyển chọn cô dâu hoặc công ty mai mối hôn nhân.
Nghiên cứu tại miền Nam Việt Nam cho thấy đã có các cơ chế pháp lý hỗ trợ cho phụ nữ di cư, song chi phí để tiếp cận với các cơ chế này thường khá cao. Nhiều gia đình khi cho con em mình di cư thông qua các kênh chính thức này bị lâm vào cảnh nợ nần.
Do vậy, điều này sẽ càng khiến người phụ nữ rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương hơn nếu họ mất việc làm và không hoàn thành được hợp đồng lao động đã ký. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phụ nữ cũng không được chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi ra đi vì thường các khóa học ngắn hạn về ngôn ngữ, văn hóa và các kỹ năng thực tế khác thường là không đủ.
Khi họ hồi hương, khái niệm xuất cảnh thành công hay thất bại phụ thuộc nhiều vào thái độ đón tiếp của cộng đồng địa phương đối với họ. Nếu họ không mang được về số tiền như mong đợi hoặc bị đau ốm thì cộng đồng thường không đón chào nồng nhiệt và coi họ là những phụ nữ xuất cảnh thất bại. Thêm vào đó, trong một số trường hợp phụ nữ trở về cùng với những đứa con được sinh ra nơi đất khách họ thường khó có thể xin được các thủ tục pháp lý cho con họ được công nhận là công dân Việt Nam.
Để tập trung giải quyết các vấn đề được phát hiện thông qua nghiên cứu này, AAV sẽ bắt đầu triển khai giai đoạn II của dự án nhằm hỗ trợ những phụ nữ quyết định ra đi trước khi họ rời quê hương, tại điểm đến của họ và những người quyết định hồi hương để họ có thể yêu cầu những quyền chính đáng. Giai đoạn II sẽ được triển khai tại Đài Loan, Cam-pu-chia và Việt Nam từ tháng 10/2006 – 10/2008.